Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, các bệnh viện được giao thành lập trung tâm hồi sức tích cực của vùng gồm Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, nhằm tích cực nâng cao năng lực điều trị COVID-19, chủ động tiếp nhận người bệnh trong địa bàn được phân công. Liên hệ kết nối hội chẩn thường xuyên bằng mạng lưới Tele-Health với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ và các Trung tâm hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại tỉnh Long An, Vĩnh Long.
Các bệnh viện tuyến dưới khi có người bệnh vượt quá năng lực điều trị cần liên hệ để hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và nơi dự kiến chuyển đến. Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển người bệnh mà không có hội chẩn hoặc liên hệ trước, gây khó khăn cho các bệnh viện tuyến trên trong việc tiếp nhận người bệnh.
Trước đó, ngày 29/7/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”. Theo Đề án này, Bộ Y tế giao nhiệm vụ Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp phụ trách các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận định của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19 qua các đợt 1, 2, 3 và đợt 4 đang lây lan mạnh cho thấy nhiều bài học có giá trị sâu sắc. Khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và gần như chưa có tỉnh nào có thể “tự lực cánh sinh” điều trị COVID-19 mà không cần sự chi viện từ Trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.
Bài học chống dịch rút ra từ các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương... và TP Hồ Chí Minh đều cho thấy năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch của các địa phương còn hạn chế. Nguyên nhân là do quy mô và số giường bệnh hồi sức tích cực cũng có nhiều vấn đề tồn tại. Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, ước tính năm 2021, cả nước có khoảng trên 16.000 giường bệnh hồi sức tích cực.
Tuy nhiên, cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực, nhưng không có hệ thống ô-xy trung tâm, hệ thống khí nén, nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm, gây khó khăn cho các bác sỹ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh COVID-19 nặng.
Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu... Hiện, chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như các Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế, Đa khoa Trung ương Cần Thơ... Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng ngày càng tăng trong thời gian tới; hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.
Chính vì vậy, việc Bộ Y tế xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”. Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi sự tham gia không chỉ riêng ngành Y tế, Chính phủ, các Bộ, ban ngành, mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.