Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phụ nữ mang thai cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K; đi khám thai và kiểm tra sức khỏe trong những giai đoạn quan trọng của thai kỳ; có dinh dưỡng hợp lý và tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có cơ hội.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 để chủ động bảo vệ mình
Trong lần thứ 4 bùng phát dịch, có rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai mắc COVID-19, nhiều trường hợp chuyển nặng phải thở máy đành ngậm ngùi chấm dứt thai kỳ, bởi có quá nhiều nguy cơ đe dọa cả mẹ lẫn con. Mắc COVID-19 sẽ trở thành gánh nặng rất lớn đối với thai phụ bởi phụ nữ mang thai thường đi kèm một số bệnh lý phát sinh như tiểu đường thai kỳ, thiếu máu, thừa cân; chưa kể một số còn có bệnh lý nền sẵn như tiểu đường, tăng huyết áp...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cách đây một năm, trẻ em và phụ nữ mang thai là hai nhóm đối tượng mắc COVD-19 ít so với cộng đồng nói chung. Thực tế tại Bệnh viện Hùng Vương những tháng đầu năm 2021, số lượng thai phụ mắc COVID-19 đến bệnh viện chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng vào đợt dịch này, tỷ lệ mắc của thai phụ gần như bằng với cộng đồng. Do đó, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người đang ở trong khu phong tỏa, cách ly (nhóm đối tượng có nguy cơ cao) cần thực hiện tốt 5K, trong đó, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là 3 yếu tố quan trọng nhất giúp ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm. Nếu có điều kiện, phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay, thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, bảo đảm khả năng lây nhiễm là ít nhất.
Hiện nay, tiêm vaccine phòng COVID-19 được xem là một trong những giải pháp căn bản giúp đẩy lùi sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Ngày 10/8, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, theo đó, phụ nữ mang thai từ tuần 13 trở lên sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, đây là điều đáng mừng đối với các sản phụ và bác sĩ trong chuyên ngành sản phụ khoa. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo tất cả người dân trên thế giới cần phải tiêm vaccine phòng COVID-19, việc tiêm ngừa sẽ giúp thai phụ phòng tránh, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cũng như tình trạng chuyển nặng khi chẳng may mắc COVID-19.
Theo hướng dẫn tiêm vaccine hiện hành của Bộ Y tế, tất cả các vaccine COVID-19 đều có thể tiêm phòng cho phụ nữ mang thai nếu vaccine đó không chống chỉ định cho phụ nữ mang thai, hiện chỉ có vaccine Sputnik V chống chỉ định cho thai phụ. Sau tiêm chủng, triệu chứng thường gặp là sốt. Phụ nữ mang thai bị sốt cần uống nhiều nước, sử dụng paracetamol để hạ sốt. Bởi nếu sốt nhiều có thể làm tăng nhịp tim của mẹ và thai nhi gây ảnh hưởng đến em bé. Sốt cao có thể dẫn tới mất nước khiến nước ối giảm đi gây nguy hiểm cho thai nhi, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn bảo đảm cung cấp dinh dưỡng đủ, đúng cách vô cùng quan trọng đối với phụ nữ mang thai, giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, bảo vệ con; giúp con phát triển tối ưu nhất, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp – Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, phụ nữ mang thai cần ăn uống cân đối, đủ chất dinh dưỡng, khoảng 15 thực phẩm mỗi ngày để giúp chế độ dinh dưỡng đa dạng. Ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch. Không có một loại thực phẩm riêng biệt hay chất dinh dưỡng đơn lẻ nào giúp cơ thể khỏe mạnh; tăng cường miễn dịch và sức đề kháng; có tác dụng phòng ngừa COVID-19.
Phụ nữ mang thai cần chú ý ăn đầy đủ các nhóm chất: Tinh bột (gạo, ngô, khoai, sắn…); đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại hải sản, đậu, đỗ); rau tươi và trái cây tươi các loại (đây là nguồn cung cấp vitamin C, Beta-caroten và chất xơ dồi dào giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh); sử dụng cân đối giữa chất béo động vật và chất béo từ thực vật; có thể bổ sung thêm các loại sữa theo nhu cầu và uống viên đa vi chất.
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ, đã có một số nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung đa vi chất (gồm các vitamin và khoáng chất) sẽ giúp giảm được 13% nguy cơ nhiễm COVID-19 trong nhóm nghiên cứu. Bởi về mặt cơ chế, các vitamin và khoáng chất có vai trò tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp kháng viêm, điều hòa hệ thống vận chuyển oxy cho toàn cơ thể, bảo vệ màng tế bào… Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người sử dụng đủ Omega-3 theo nhu cầu khuyến nghị thì giảm được 12% mức độ cảm nhiễm với COVID-19; dùng đủ vitamin D thì giảm được 9 %. Như vậy, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ giúp thai phụ và thai nhi tránh được các vấn đề liên quan đến thiếu hụt vi chất dinh dưỡng mà còn giúp tăng đề kháng của cơ thể, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, hiệu quả bảo vệ với mẹ và con tốt hơn.
Trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai chỉ cần đến bệnh viện để khám thai vào các mốc quan trọng, gồm: Thai khoảng 12 tuần; 20-22 tuần; 28-30; 36 tuần đến khi sinh. Vì trong những giai đoạn này, ngoài việc khám kiểm tra sức khỏe thai phụ và thai nhi thì cần phải thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Trong trường hợp có các dấu hiệu bất thường thì phụ nữ mang thai cần đến ngay các cơ sở khám, chữa bệnh để được kiểm tra và xử lý kịp thời.