Theo giới chuyên gia, những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 - trong đó có trẻ em dưới 5 tuổi do chưa được tiêm vaccine, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính - sẽ phải đối mặt nhiều rủi ro lây nhiễm hơn khi không còn quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong hầu hết các không gian công cộng khép kín.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người có nguy cơ cao mắc COVID-19 có thể tiếp tục sử dụng các loại khẩu trang chất lượng cao để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu việc đeo khẩu trang khi những người xung quanh không đeo còn phát huy đủ hiệu quả bảo vệ sức khỏe người dùng trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo bà Emily Sickbert-Bennett, Giám đốc phòng chống nhiễm trùng tại Trung tâm Y tế UNC, duy trì đeo khẩu trang khi những người khác không đeo vẫn có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus, song không thể hiệu quả như khi tất cả mọi người đều đeo khẩu trang.
Khẩu trang phát huy hiệu quả theo 2 cách: ngăn chặn virus phát tán từ người đeo khẩu trang và ngăn chặn virus từ bên ngoài tấn công người đeo khẩu trang. Nếu hai người tiếp xúc với nhau đều đeo khẩu trang, lượng virus phát tán sẽ giảm tối đa, theo đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Theo bà Kimberly Prather - Chủ nhiệm khoa Hóa khí quyển tại Đại học California (San Diego), một trong những yếu tố chủ chốt ngăn ngừa sự lây lan rộng của virus là ngăn chặn nguồn lây nhiễm ngay từ đầu, không để virus phát tán trong không khí.
Các chuyên gia đã tiến hành một nghiên cứu ước tính khả năng lây bệnh sau khi tiếp xúc với những người mắc COVID-19 mà không đeo khẩu trang. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PNAS hồi tháng 12/2021, trong đó kết luận rằng những người đeo khẩu trang y tế thông thường có 90% nguy cơ lây bệnh sau khi tiếp xúc khoảng 30 phút, trong khi những người đeo khẩu trang lọc khí như N95 chỉ có 20% nguy cơ lây nhiễm sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Đặc biệt, nếu cả người mắc COVID-19 lẫn người tiếp xúc đều trang bị các loại khẩu trang chất lượng cao, tỷ lệ lây bệnh giảm chỉ còn 0,4% sau 1 giờ đồng hồ tiếp xúc.
Các chuyên gia nhất trí rằng trong trường hợp chỉ một người đeo khẩu trang, thì khẩu trang đó nên là các loại chất lượng cao như khẩu trang phòng độc N95 và KN95 được thiết kế để lọc hầu hết các hạt bụi bẩn và virus.
Trên thị trường hiện nay, các loại khẩu trang chất lượng cao như N95 có mức độ bảo vệ tối ưu nhất, song chỉ phát huy tối đa tác dụng nếu được đeo vừa khít mặt. Theo bà Bennett, nếu không muốn đeo các loại khẩu trang phòng độc như N95, thì có thể tăng hiệu quả của khẩu trang y tế thông thường chỉ với một vài sự điều chỉnh, như buộc dây sau tai hoặc sử dụng thêm thanh kim loại gắn ở mũi để khẩu trang vừa khít mặt. Ngoài ra, có thể tăng hiệu quả của khẩu trang vải nếu đeo kèm một khẩu trang y tế bên ngoài.
Tiến sĩ Monica Gandhi, Hiệu phó trường Đại học California, cho rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trước đây đã bộc lộ rõ một số điểm yếu khi nhiều người chỉ đeo để đối phó - đeo không đúng cách hoặc đeo các loại khẩu trang chất lượng thấp. Theo bà Gandhi, thay vì yêu cầu tất cả mọi người đeo khẩu trang thì nên tập trung khuyến khích bộ phận những người cẩn trọng về sức khỏe sử dụng các loại khẩu trang phòng độc chất lượng cao.
Trong khi đó, chuyên gia Prather cho rằng các cơ quan chức năng Mỹ nên nâng cao tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng không khí trong nhà, bổ sung thông gió và tăng cường lọc không khí tại các khu vực công cộng.
Bà Prather nhấn mạnh không khí trong nhà sạch có thể được coi như "lớp khẩu trang bảo vệ" cho tất cả mọi người.