Theo một nghiên cứu được hãng tin CNN đăng tải ngày 2/3, các nhà nghiên cứu Canada đã lần đầu tiên mô tả đặc điểm của biến thể mà họ gọi là Ontario WTD. Biến thể này được phát hiện trong mùa săn bắn. Những người thợ săn mang những con hươu đã săn được cho các nhà khoa học để làm xét nghiệm máu. Kết quả phân tích cho thấy biến thể mới thuộc "cây gia đình" virus SARS-CoV-2 này chứa 97 đột biến gen, khoảng 50% trong số những đột biến này đã được ghi nhận ở động vật, nhưng 23 trong số đó chưa từng được xác định trước đây ở hươu. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng biến thể này đã truyền từ người sang hươu và sau đó lây nhiễm ngược trở lại.
Trao đổi với báo giới, Giáo sư J. Scott Weese tại Đại học Guelph ở Canada, người đánh giá nghiên cứu, cho biết phát hiện này đáng chú ý ở chỗ cho thấy tiềm ẩn nguy cơ virus tiến hóa trong quần thể động vật. Ông cho biết trước đây, những trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giữa người và động vật có thể đã được ghi nhận. Dòng Ontario WTD này đã xuất hiện cách đây 10 - 12 tháng ở người và chồn, sau đó đã "du hành đâu đó" và thay đổi trong thời gian từ vài tháng đến 1 năm. Trong nhiều trường hợp, hươu là vật chủ lý tưởng cho virus SARS-CoV-2. Chúng rất dễ bị lây nhiễm nhưng không bị bệnh nặng, lại thường sống thành đàn nên virus rất dễ lây lan.
Các thí nghiệm ban đầu cho thấy rằng biến thể mới dễ dàng bị các kháng thể được tạo ra sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 "hạ gục", điều này khiến biến thể này không có khả năng gây ra mối đe dọa ngay lập tức. Vấn đề là những gì có thể xảy ra trong tương lai. Tác giả nghiên cứu Bradley Pickering, chuyên gia về các mầm bệnh đặc biệt tại Trung tâm quốc gia về dịch bệnh ở động vật ngoại lai của Canada, cảnh báo virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan trong động vật hoang dã chứ không chỉ gây dịch cho con người như nhiều người vẫn tưởng. Điều này đặt ra nguy cơ đến một thời điểm nào đó, virus lây lan trong động vật hoang dã có thể lây nhiễm trở lại sang người.