Dưới bầu trời tối sẫm dần có Mặt Trăng đang dần tròn, đám đông cứ lớn dần lên, ngày càng nhiều hơn, như một buổi tụ hội của những người yêu bóng đá và rồi một ngày, bỗng thấy một giải đấu lớn bậc nhất thế giới xuất hiện ngay trước mặt mình, nhưng không trong tầm với của mình.
Nhưng dù những sân bóng của World Cup chỉ cách họ vài cây số cho đến vài chục cây số, nghĩa là gần lắm, họ vẫn không thể có mặt ở đó, trên các khán đài, đơn giản bởi họ không đủ tiền mua vé. Ở những nơi họ ở thuê cũng không có tivi. Những màn hình lớn xem miễn phí thế này chính là giải pháp tuyệt vời để họ có thể xem World Cup những ngày này.
Aamir mỉm cười bẽn lẽn khi tôi hỏi anh ủng hộ ai và đội tuyển nào ở World Cup này. "Messi và Argentina" là câu trả lời của anh.
Người bảo vệ gốc Ấn Độ làm việc ở một siêu thị gần khu trung tâm của Doha này khát khao được nhìn thấy thần tượng của anh bằng xương bằng thịt, nhưng anh biết, kể cả khi Messi và Argentina đến Qatar này cho World Cup, anh và những người đang ngồi trước màn hình lớn này cũng không thể đến sân. Và họ ở đây, háo hức chờ một trận đấu của Argentina diễn ra.
Vợ anh ngồi cạnh thì im lặng ngắm hai cậu con trai đang đá bóng ở bãi cỏ phía ngay cạnh. Chúng cũng chờ trận đấu diễn ra. Rồi Messi sẽ xuất hiện ở đó, trên màn hình ấy, trước mặt chúng, trong lần cuối cùng chinh phục đỉnh cao World Cup. Aamir đã ở đây được 10 năm. Anh chưa từng thấy hình ảnh nào của Messi lớn đến thế, trên bất cứ màn hình nào trước đây.
Có rất nhiều những màn hình lớn như thế ở nhiều nơi tại Doha này trong những ngày diễn ra World Cup đầu tiên ở Trung Đông và vào mùa Đông. Có những màn hình nhỏ tôi đã thấy trên một vỉa hè nhỏ gần căn hộ tôi đang trọ, quây quanh là những người đàn ông trong bộ đồ trắng Hồi giáo đang ngồi trên ghế salon, và đứng sau họ là những người làm việc nhà. Có những màn hình lớn trong các trung tâm thương mại. Có những chiếc tivi được đặt ở những nơi mà người lao động nhập cư nghèo sinh sống. Và cả những màn hình khổng lồ như ở khu Corniche giàu có, sang trọng và hoa lệ này.
Khu Corniche được xem là một biểu tượng của sự giàu có của Qatar, với những tòa nhà cao vút nhiều hình dáng lấp lánh trong ánh điện, những ngân hàng đầy tiền và các khách sạn sang trọng bậc nhất đế vương, những con đường rộng thênh thang đầy ánh điện, những tấm pano siêu lớn in hình các cầu thủ triệu phú và tỉ phú USD treo trước các tòa nhà với nhiều màu sắc khác nhau đang nhìn ra biển. Có một tấm ảnh Messi hướng thẳng ra bãi cỏ có màn hình. Ở đó, trong công viện rộng lớn, ngồi trên cỏ trước màn hình to là những người lao động nghèo như Aamir, có thu nhập chỉ chừng 1 nghìn đến 1.500 riyal mỗi tháng (khoảng 7 triệu đến 10 triệu đồng).
Họ mơ một sự đổi đời và vì thế họ đến Qatar, dù cảm thấy được tôn trọng, được cho một mái nhà che mưa nắng, được trả một thu nhập ít ỏi so với cuộc sống ở đây nhưng đã là một khoản tiền rất lớn ở quê nhà, họ vẫn khắc khoải những đổi thay. World Cup giống như một cái tủ kính trưng bày những gì tráng lệ nhất với họ trong cuộc sống khá buồn tẻ thường nhật. Những cổ động viên đến đây đem đến cho họ sự tiếp xúc. Những sự thay đổi trên đường phố nhờ World Cup đem đến cho họ một cái nhìn mới mẻ. Mỗi tối ngồi đây xem bóng đá với Aamir và nhiều người khác như anh là những tối vui.
Và những ngôi sao, như Messi, tiếp thêm cho họ có sức mạnh của những ước mơ. Bởi gia đình Messi trước đây cũng nghèo, cũng vất vả và bản thân anh có vấn đề về hormon tăng trưởng.
Nhưng không phải ai cũng có thể xem World Cup như Aamir. Tôi gặp Raton Datta trong bãi đậu xe của Villaggio Mall, trung tâm thương mại thuộc loại lớn nhất Doha. Đó là một buổi chiều, trời khá nắng, và Datta cùng với vài đồng nghiệp mặc đồng phục của một hãng chuyên chăm sóc xe hơi, đứng tần ngần ở lối xe đi qua lại và với ánh mắt đầy thân thiện về phía các chủ xe, đồng thời giơ một chiếc khăn lau lên làm hiệu. Họ chờ đợi một cái gật đầu, một nụ cười của chủ xe.
Với thù lao 20 riyal (khoảng hơn 100 nghìn đồng), Datta và các đồng nghiệp người Bangladesh của anh sẽ lau xe cho khách trong nửa tiếng đồng hồ. Anh bảo, lau xe tại chỗ sẽ không sạch bằng rửa xe, nhưng ít ra xe của khách cũng sẽ sáng sủa hơn lúc ban đầu. Những người Bangladesh làm công việc lau xe ở Doha này rất nhiều, rất vất vả dưới cái nắng nóng ban ngày ở Qatar, nhưng dù thu nhập hàng tháng chỉ hơn 1 nghìn riyal (hơn 7 triệu đồng), họ vẫn đều đặn tiết kiệm để hàng tháng gửi tiền về cho gia đình. Datta, đã sống ở Doha được 8 năm, có một ước mơ nho nhỏ: Có đủ tiền để sau này cưới vợ. Còn bao giờ cưới, anh không biết.
Vậy, World Cup của anh thế nào? Người thanh niên Bangladesh đen nhẻm cười, trả lời: "Hầu như tôi không xem, vì làm việc hàng ngày rất mệt, đến tối tôi chỉ có thể về nhà trọ và ngủ để sáng sau đi làm tiếp. Chỗ tôi không có tivi". Ở World Cup này, không chỉ có Datta và những người lau xe như anh không có World Cup. Họ không có thời gian để xem hoặc đơn giản là về đến nhà trọ không tivi chỉ còn biết ngủ để hôm sau tiếp tục đi làm.
Những người quét dọn vệ sinh, bảo vệ các trung tâm thương mại, những người làm công trong đó và rất nhiều người lao động bình thường khác nữa, trong đó có những lái xe Uber và taxi không có World Cup. Một tháng trái bóng World Cup lăn ở đây rồi dừng lại và không biết đến bao giờ một ngày hội lớn như thế mới trở lại thực ra chẳng liên quan và cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống vất vả và buồn tẻ của họ.
… Trên màn hình lớn của khu Corniche, Messi vừa ghi bàn thắng, hai tay giơ lên trời. Aamir sung sướng chứng kiến khoảnh khắc ấy, trong khi các con anh reo lên hạnh phúc. Chúng cũng thần tượng Messi như cha chúng và cũng mong anh và các đồng đội ở đội tuyển Argentina giơ cao chiếc Cúp vàng. Cả nghìn người ngồi trên bãi cỏ hét lên những tiếng phấn khích. Messi và World Cup đến rồi lại đi, cho họ sự khắc khoải đợi chờ và rồi những niềm vui, nỗi buồn và cả những hy vọng trong một tháng. Sau World Cup, mọi người sẽ trở về nhà và những người lao động nhập cư như họ trở lại với những trăn trở mỗi ngày. Nhưng ít ra, World Cup cũng cho họ những ước mơ…