Hủy bỏ và sự bất mãn
Thế giới từng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, tuy nhiên, chưa có dịch bệnh nào gây ảnh hưởng nhiều tới thể thao nói chung và bóng đá nói riêng như dịch COVID-19 cả. Đối với châu Âu, nơi có những giải bóng đá hấp dẫn và được thế giới theo dõi đông đảo, chỉ có giải đấu của Belarus vẫn diễn ra trong khi đại dịch hoành hành. Các giải đấu hàng đầu như Ligue 1, Premier League, Serie A hay Bundesliga đều đã phải tạm dừng.
Tại Hà Lan, giải Eredivisie lựa chọn cách hủy giải, không có nhà vô địch, không đội xuống hạng hay thăng hạng. Ajax và Cambuur là hai đội đang dẫn đầu giải hạng 1 và hạng 2 của Hà Lan cảm thấy không hài lòng nhất với quyết định của Liên đoàn bóng đá Hà Lan. Dù thế nào, họ sẽ phải làm lại từ đầu vào mùa giải sau.
Liên đoàn bóng đá Pháp có cách xử lý khác nhưng điều đó cũng không ngăn cản được sự bất mãn xuất hiện. Họ hủy bỏ Ligue 1 với quyết định nhà vô địch là PSG, các suất tham dự cúp châu Âu hay xuống hạng và thăng hạng được lựa chọn dựa theo vị trí hiện tại trước khi giải đấu tạm dừng.
Ngay lập tức, Lyon lên tiếng bức xúc vì với vị trí thứ 7, họ sẽ không thể tham dự cúp châu Âu nào dù cơ hội của họ vẫn còn nếu giải đấu tiếp tục. Trong khi đó, đội xếp thứ 19 Amiens sẽ phải xuống hạng dù họ chỉ kém đội xếp trên 4 điểm với 10 trận còn lại. Sự bất mãn là điều không thể tránh khỏi.
Vấn đề tài chính
Ligue 1 hay Eredivisie dễ dàng hủy giải bởi “giá trị” của họ không cao. Các CLB hay BTC giải vẫn có thể sống tốt. Điều họ không hài lòng liên quan nhiều tới thành tích CLB chứ không phải yếu tố tài chính. Nhưng, câu chuyện của Premier League lại khác.
Trên lý thuyết, các nhà đài sẽ trả tiền bản quyền cho Premier League và BTC có trách nhiệm phân chia cho các CLB. Nếu Premier League hủy bỏ ở vòng đấu 29, họ sẽ phải trả lại tiền bản quyền của 9 vòng. Nhưng thực tế, số tiền đó đã được các sử dụng vào nhiều hoạt động khác nhau. Cụ thể là lương của các cầu thủ. Theo thống kê của chuyên gia tài chính bóng đá Kieran Maguire, mức lương của các cầu thủ Premier League đã tăng gần 2,9% so với thời điểm giải đấu bắt đầu.
Nói một cách dễ hiểu, Premier League và các CLB sẽ không thể hoàn tiền vì họ không còn tiền nữa. Đưa giải đấu trở lại tại sân trung lập không có khán giả là lựa chọn tối ưu nhất cho họ giảm thiểu tổn thất tài chính.
Dịch bệnh xuất hiện đã bộc lộ mặt trái của đồng tiền. Giá trị cao đồng nghĩa tổn thất lớn. Theo ông Maguire, sự việc chưa có tiền lệ này có lẽ sẽ là yếu tố quan trọng giúp các nhà đài giảm giá bản quyền truyền hình khoảng 1 tỷ USD kể từ mùa giải sau. Các CLB tại Premier League sẽ buộc phải có hành động điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu của thời cuộc. Dĩ nhiên, cắt giảm ngân sách chi tiêu không phải đơn giản nhưng đó là điều cần thiết trong lúc này.