'Kỳ tích' của Man City trong cuộc chiến pháp lý với UEFA

Tòa án Trọng tài thể thao quốc tế (CAS) đã tuyên bố phần thắng thuộc Manchester City trong cuộc chiến pháp lý giữa đội bóng này với Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Đây được xem là "kỳ tích" với Man City trong cuộc chiến pháp lý với UEFA.

Man City đã hoàn toàn giành chiến thắng trước UEFA

Sau những phiên điều trần với các bên liên quan, CAS đã đưa ra phán quyết cuối cùng về kháng cáo án phạt cấm thi đấu tại cúp châu Âu của Man City. Kết quả, The Citizens kháng án thành công và sẽ không phải vắng mặt tại đấu trường Champions League mùa tới.

Chú thích ảnh
Man City đã "bình an". Ảnh: Eurosports

Trước đó, Man City bị Cơ quan kiểm soát tài chính của UEFA (CFCB) phát hiện việc Abu Dhabi đã chuyển cho Man City 67,5 triệu bảng mỗi năm dưới danh nghĩa tiền tài trợ, và điều này vi phạm nghiêm trọng Luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA.

UEFA đã đưa ra án phạt cấm dự Cúp châu Âu trong vòng 2 năm, đồng thời nộp phạt 30 triệu euro. Đây là lần đầu tiên UEFA phạt nặng đến vậy vì lỗi tài chính, bởi từ năm 2009 đến nay, những án phạt thường chỉ là những khoản tài chính hoặc giới hạn số cầu thủ đăng ký dự các cúp châu Âu.

Theo thống kê từ AFP, Man City thu về tới 93 triệu euro từ tiền thưởng và bản quyền truyền hình nhờ vào đến tứ kết Champions League mùa giải trước.

Các chuyên gia kinh tế đã ước tính Man City sẽ tổn thất hơn 200 triệu euro trong 2 năm không dự Champions League. Bên cạnh đó còn có nỗi lo "chảy máu" tài năng, đánh mất những ngôi sao hàng đầu.

Man City đã một mực phủ nhận bản án này. Suốt khoảng thời gian qua, nửa xanh thành Manchester đã nỗ lực tìm bằng chứng để tìm cách thay đổi án phạt. Ngày 26/2, họ gửi đơn kháng cáo lên CAS. Phiên điều trần tranh tụng giữa đại diện Man City và đại diện UEFA được kết nối giữa Tòa án Thụy Sỹ, các luật sư ở Anh và nhiều nhân chứng tại các quốc gia khác đã diễn ra trong 3 ngày (8 - 10/6) dưới hình thức trực tuyến. Sau phiên điều trần đó, lãnh đạo CLB Man City tỏ rõ sự tự tin trong việc kháng cáo lệnh cấm nhằm xóa bỏ hoặc giảm về mức phạt tối thiểu.

“Chúng tôi đã đủ điều kiện tham dự Champions League, đó là yêu cầu tối thiểu cho câu lạc bộ này. Chúng tôi xứng đáng được tham dự Champions League” - HLV Pep Guardiola

Phải khẳng định rằng, án phạt cấm đá cúp châu Âu đến 2 năm cùng 30 triệu euro là mức nặng, có thể coi là "án điểm" răn đe cho tất cả. Tuy nhiên, án phạt đó của UEFA đã không thể thực thi. Trong phán quyết của mình, CAS khẳng định, khoảng thời gian 5 năm từ lúc Man City bắt đầu vi phạm đến khi UEFA điều tra cũng là cơ sở để tổ chức này bác bỏ án phạt cấm thi đấu cúp châu Âu 2 năm của CLB nước Anh. CAS kết luận: "Hầu hết cáo buộc vi phạm của UEFA đối với Man City đều hoặc không đủ thành lập tội danh, hoặc hết thời hiệu truy cứu".

Man City kháng án thành công, "chỉ phải" nộp khoản tiền phạt 10 triệu euro và vẫn được góp mặt tại Champions League mùa tới do đã chắc suất Á quân Premier League mùa này. Như vậy, họ sẽ không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Các ngôi sao như Kevin de Bruyne, Raheem Sterling hay HLV trưởng Pep Guardiola sẽ có cơ sở để tiếp tục cam kết tương lai với đội bóng nửa xanh thành Manchester.

Việc thoát án cấm dự cúp châu Âu sẽ là động lực lớn để thầy trò HLV Pep Guardiola chơi thăng hoa tại Champions League mùa này, nơi họ đang có lợi thế với chiến thắng 2 - 1 ở trận lượt đi vòng 1/8 ngay trên sân của Real Madrid.

Lỗ hổng của FFP

CAS tuyên bố các bằng chứng mà UEFA đưa ra chưa đủ để buộc tội Man City vi phạm FFP cũng như các vụ việc hết thời hạn truy cứu. Án phạt 2 năm dành cho Man City theo đó bị hủy bỏ và đội bóng nước Anh chỉ phải nộp phạt 10 triệu euro vì "không hợp tác điều tra".

Chú thích ảnh
Với tài chính "khủng" từ giới chủ Ả Rập, Man City đã vượt qua sóng gió. Ảnh: Eurosports

"Chiến thắng" của Man City cũng đã tạo ra thách thức lớn với quyền lực của UEFA. Nhiều bình luận được viết trên mạng xã hội Twitter: “UEFA đã yếu ớt, còn CAS như trò cười. Các tổ chức này đã bị núi tiền của Man City hoàn toàn đè bẹp”.

Luật Công bằng tài chính được sinh ra nhằm cân đối giữa lợi nhuận và khoản đầu tư, kiểm soát dòng tiền chảy vào bóng đá, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các đội bóng. Nói đơn giản, không để các ông bầu vung tiền giúp đội bóng lên đời mà không có căn bản.

Phán quyết của CAS cho thấy những lỗ hổng của FFP, bộ luật từng được xem là sẽ mang lại công bằng cho bóng đá, chống lại tầm ảnh hưởng của các tỷ phú. Bởi vụ việc giống như của Man City là không phải lần đầu. Trước đây, những đội bóng "nhà giầu" như PSG, AC Milan đều từng vi phạm FFP. Song, đội bóng nước Pháp PSG chỉ bị phạt tiền tượng trưng, còn AC Milan còn chủ động "xin vắng mặt" ở Europa League 2019 - 2020 để dễ bề chi tiêu. Trong khi đó, các đội bóng bị tổn thương nhiều bởi luật này thường là những đội có quỹ tài chính hạn chế như: Malaga (2011 - 2012), Galatasaray (2015 - 2016) hay Porto (2017 - 2018).

Việc các đội bóng giàu có "lũng đoạn" thị trường bóng đá là một sự thật hiển nhiên, và đến nay UEFA vẫn chưa hoàn thiện bộ luật công bằng tài chính của mình để mang đến tính công bằng thực sự cho làng bóng đá châu Âu.

Sự việc trên được cho là sẽ làm giảm uy tín của Cơ quan quyền lực nhất của bóng đá châu Âu, tuy nhiên UEFA vẫn có thể kiện tiếp lên Tòa án Liên bang Thụy Sĩ (SFT), nơi có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, theo nhật báo Mirror, UEFA sẽ không phản bác phán quyết của CAS cũng như không kiện tiếp lên SFT. Có thể thấy, "sức mạnh kim tiền" của giới chủ Ả Rập quả thật rất khó lường, đủ sức làm xoay chuyển cục diện tưởng không thể tháo gỡ.

Minh Đăng/Báo Tin tức
Xóa án cấm tham dự Champions League cho Manchester City
Xóa án cấm tham dự Champions League cho Manchester City

Tương lai của Man City ở Champions League đã vô cùng tươi sáng khi Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS) tuyên bố họ được xóa án cấm thi đấu ở sân chơi cao nhất bóng đá cấp câu lạc bộ mùa sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN