Họ hát quốc ca và họ khóc. Những giọt nước mắt xúc động nghẹn ngào của lần đầu tiên có mặt ở sân chơi lớn nhất của bóng đá thế giới chảy trên mặt của đội trưởng Roman Torres, của nhiều khán giả có mặt Panama trên sân Sochi. Đấy là một thời khắc vô cùng trang trọng và xúc động đối với một quốc gia nhỏ bé đến mức sẽ chẳng có ai để ý đến, nếu như không có con kênh nổi tiếng chạy vắt ngang lãnh thổ của họ, bao năm nay âm thầm làm nhiệm vụ đưa những con tàu đi giữa hai đại dương.
Các cầu thủ Panama khóc khi hát quốc ca ở World Cup 2018. |
Không khóc sao được, khi đấy là World Cup đầu tiên của họ. Không khóc sao được khi người thân của họ ở quê nhà, cũng giờ phút ấy, tay đặt lên trái tim, cùng hát vang bản quốc ca. Không khóc sao được, khi niềm tự hào xứ sở khiến người ta nghẹn ngào và trái tim mình đập mạnh. Đây là Tổ quốc và ta chiến đấu vì Tổ quốc. Ta có thể chết vì Tổ quốc.
Quốc ca Panama có lời rất đẹp và lãng mạn, với đoạn điệp khúc thế này: “Trên mảnh đất phủ đầy hoa/Với những nụ hôn trong gió ấm áp/Những tiếng gào của chiến binh đã chấm dứt/Chỉ tình cảm anh em ngự trị”. Christopher Columbus đã đến đây trong hải trình tìm kiếm thế giới mới vào thế kỷ 16. Những cuộc xung đột và đảo chính cũng đã bùng nổ ở dải đất hơn 70 nghìn km2 này để kiểm soát con kênh đào. Máu đã đổ trong nhiều năm trên mảnh đất này. Máu cũng đã đổ triền miên trong những năm qua tại nơi đây, bất chấp một sự thật là Panama đã bình yên hơn những thập kỷ trước kia. Máu cũng đã rơi từ chính các cầu thủ ngã xuống. Kể từ năm 1990, 19 cầu thủ Panama đã chết vì bạo lực, vì bị ám sát.
Một CĐV của Panama không kìm được cảm xúc khi quốc ca vang lên. |
Tháng 4 năm ngoái, Amilcar Henriquez, 75 lần khoác áo đội tuyển, người được cho là xuất sắc thứ nhì trong lịch sử bóng đá Panama chỉ sau chân sút nổi tiếng Dely Valdes, đã bị bắn 12 phát đạn từ một khẩu súng AK47 và một khẩu côn xoay 9 li. Hôm ra sân đấu với Bỉ, các cầu thủ Panama cũng tưởng nhớ Amilcar Henriquez, đồng đội của họ, người hùng của họ, người lẽ ra phải có mặt ở nước Nga lần này, trong vai trò của một thủ lĩnh. Những giọt nước mắt trước trận gặp Bỉ ấy cũng là để dành cho anh.
Quốc kỳ Panama xuất hiện ở World Cup. |
Không ai biết tại sao anh bị ám sát, nhưng ở một quốc gia được coi là nơi trung chuyển ma túy giữa Colombia và Mỹ, thì chính các cầu thủ cũng có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ bởi bạo lực. Và ra nước ngoài thi đấu không chỉ là một cách để thoát ra khỏi thực tế đáng buồn ấy, mà còn là cách phát triển năng lực để cùng đội tuyển tạo ra những điều kỳ diệu, chẳng hạn sút tung lưới Mỹ ở phút 88, ngăn không cho Mỹ đến Nga, mà chính là họ, Panama.
Đất nước nhỏ bé ấy đã chìm trong những lễ hội thâu đêm vì chiến thắng, đã sống nhiều tháng qua trong không khí ăn mừng, và giờ, khi trái bóng đã lăn từ chân họ trên sân cỏ nước Nga, thì thực tại thất bại như trận thua Bỉ 0-3 vào ngày cắp sách lần đầu đến trường World Cup cũng không khiến họ chìm trong nỗi buồn. Panama ít ra cũng đã cầm chân được Bỉ cực mạnh trong vòng một hiệp, bằng tinh thần quả cảm và lối chơi lăn xả, nhiệt tình, nhưng vẫn có chút ngây thơ. Họ là thế, và có lẽ ở giải đấu này, họ cũng vẫn sẽ như thế, không đổi. Nhưng cách mà họ chơi, và trước đó, cách mà họ khóc khi hát quốc ca đã khiến không ít người xúc động.
Đội tuyển Panama đã lần đầu tiên góp mặt ở World Cup. |
Bây giờ, Panama đã bắt đầu sống trong thực tại. Những giấc mơ rồi cũng sẽ qua, và cuộc chơi của họ ở World Cup này có lẽ chỉ kéo dài hai tuần, trong vòng bảng. Nhưng dù có thế đi nữa, thì niềm vui có mặt ở World Cup đầu tiên này vẫn sẽ theo họ suốt đời. Ở đâu đó, trên trời, Amilcar Henriquez có lẽ cũng nở nụ cười.