Rác được phân loại trong các căn bếp gia đình. |
Để làm được điều này thì việc phân loại rác phải bắt đầu từ các căn bếp của gia đình. Tại CH Séc việc tuyên truyền về phân loại rác rất được chú trọng. Nhờ đó mà có gần 7,15 triệu người, tức 2/3 dân số cả nước, có ý thức phân loại rác tại gia.
Từ năm 1992 ở Séc đã ra đời trang web www.jaktridit.cz (có nghĩa là "phân loại thế nào") chuyên về đề tài xử lý rác. Trang web không chỉ giải thích cho cả người lớn lẫn trẻ em cách phân loại rác ngay trong căn bếp nhà mình mà còn trả lời câu hỏi của bạn đọc từ cách nhìn nhận của chuyên gia về môi trường.
Trên trang web hiển thị một chiếc máy đếm có chức năng thông báo về số lượng rác được tái chế của ngày hôm trước. Nói chung, có rất nhiều thông tin thú vị và bổ ích trên trang web www.jaktridit.cz.
Thùng rác nhiều màu sắc dành cho các loại rác. |
Trong căn bếp của phần lớn các gia đình đều có hai xô rác – xô đựng rác hữu cơ và xô đựng rác vô cơ. Rác hữu cơ là đồ bỏ đi khi chế biến thực phẩm hoặc thức ăn thừa. Còn lại là rác vô cơ. Rác vô cơ được tách ra theo kích cỡ và thành phần để tiện cho việc đổ rác đúng quy định – thủy tinh, giấy vụn, nhựa, hộp giấy đựng thức uống. Nếu như rác hữu cơ phải tiêu hủy thì rác vô cơ sẽ được đưa đến nhà máy để tái chế.
Tại các thành phố của CH Séc, không kể các ngôi nhà tư thì mỗi tòa nhà chung cư đều có các thùng rác riêng. Cư dân ở các tòa nhà không đổ rác lẫn vào các thùng rác của nhau vì phí xử lý rác được tính cho mỗi tòa nhà dựa vào số lượng người cư trú.
Theo quy định của EU, khoảng cách tối ưu từ nơi ở của người dân đến thùng rác công cộng là không quá 100m. Về cơ bản Séc đáp ứng tiêu chí này với cự ly trung bình 106m.
Từ năm 1992 trên khắp lãnh thổ CH Séc các thùng rác vô cơ được phân thành bốn loại. Loại 1 đựng giấy và bìa các tông (papír). Loại 2 đựng đồ nhựa (plast). Loại 3 đựng thủy tinh (sklo). Thùng rác thủy tinh có hai loại – màu trắng và màu xanh. Màu trắng dành cho thủy tinh không màu. Màu xanh dành cho thủy tinh màu. Loại 4 đựng vỏ hộp đồ uống bằng giấy.
Bốn loại thùng rác này phổ biến cả ở vùng nông thôn lẫn thành thị. Ngoài ra còn có hai loại thùng rác nữa chỉ có ở những thành phố lớn và cạnh các cửa hàng tại vùng nông thôn với mật độ dân số cao - loại 5 đựng quần áo và giày dép (textil), loại 6 đựng đồ điện và điện tử cỡ nhỏ (elektro). Hiện nay tại Séc có tất cả 270.000 thùng rác các loại dành cho 10,5 triệu dân.
Khác với 6 loại rác vô cơ nói trên, rác hữu cơ, tức đồ thải từ thực phẩm, được đổ vào thùng rác màu đen và sẽ bị tiêu hủy tại bãi rác. Thùng rác màu đen này gọi là thùng rác hỗn hợp và đứng tách biệt với 6 thùng rác có phân loại.
Nếu rác vô cơ không được phân loại tốt mà để lẫn với rác hữu cơ thì số lượng rác phải thiêu hủy tại các bãi rác sẽ rất lớn, vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Dù tại Séc việc phân loại rác được thực hiện nghiêm túc nhưng mỗi năm các bãi rác của nước này vẫn tiếp nhận hơn 80 tấn rác hữu cơ lẫn với rác vô cơ, gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh bởi chất methane dioxide cùng vố số chất độc hại gây ung thư.
Ở vùng nông thôn xe gom giấy loại hoạt động vào chiều tối. |
Rác sau khi phân loại được chở đến nhà máy để xử lý. 80% lượng giấy và thủy tinh được sử dụng ở Séc là sản phẩm tái chế từ rác thải. Điều này không chỉ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia mà cho cả các công ty xử lý rác. Quần áo, giày dép được chuyển tới các tổ chức từ thiện để phân phát cho người nghèo.
Rác điện tử được tách phần kim loại để nung chảy thành thép. Nếu như giấy và thủy tinh được quay vòng không hạn chế thì việc tái chế rác nhựa bị hạn chế do quy định của EU – không quá 7 lần. Nếu những sản phẩm nhựa có ghi số 7 thì có nghĩa là sau khi sử dụng chúng sẽ không được tái chế nữa mà bị tiêu hủy. Điều này là để tránh độc hại cho người tiêu dùng.
Tại CH Séc có quy định riêng dành cho rác độc hại không thể cho vào thùng rác hỗn hợp lẫn thùng rác phân loại, đó là pin, ắc quy; bóng đèn tiết kiệm điện và bóng đèn lưu huỳnh; các hóa chất và các thiết bị chứa hóa chất; đồ điện cỡ lớn (tivi, tủ lạnh...); lốp ô tô, xe máy.
Người dân có thể giao nộp pin, ắc quy và bóng đèn đã qua sử dụng tại bãi rác thành phố, các cửa hàng đồ điện tử hoặc các siêu thị trên khắp cả nước. Do những chất thải này đều chứa thủy ngân cực kỳ độc hại nên các cơ sở nói trên có trách nhiệm phải tiếp nhận cùng với một khoản phí nhỏ. Các hiệu sửa xe, thay lốp bắt buộc phải nhận lốp ô tô, xe máy cũ do người dân mang đến.
Con số thống kê mới nhất của Séc cho thấy, trong năm 2016 từ các container chuyên biệt để chứa pin cũ người ta gom được 1.600 tấn pin, tính ra mỗi người dân Séc trong một năm đã giao nộp 6 viên pin cũ để tái chế.
Điều này đưa CH Séc lần đầu tiên lọt vào danh sách các quốc gia thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn của EU về phân loại pin cũ, đuổi kịp Hà Lan và Bỉ là hai nước dẫn đầu xưa nay. Từ các viên pin cũ ở Séc các nhà máy xử lý rác thu được 270 tấn thép, 344 tấn kẽm, 336 tấn mangan, 25 tấn niken và 25 tấn đồng.