Trên màn hình ba chiếc máy tính bảng mới được lắp đặt tại tầng 1, 3 và 4, du khách được chào mừng bằng dòng chữ: “Xin chào mừng đến với tháp chuông Giotto’s Campanile. Trong hàng thế kỉ qua, chúng tôi đã gìn giữ các công trình nghệ thuật. Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ xóa hình vẽ trên các bức tường của tháp chuông. Nhưng nếu bạn muốn để lại cho chúng tôi một tin nhắn ảo, chúng tôi sẽ gìn giữ nó như một kiệt tác”.
Là một bộ phận thuộc tổ hợp nhà thờ Santa Maria del Fiore nằm trong khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1982, tháp chuông Giotto’s Campanile khiến thời gian cũng phải sợ nhưng lại bị hủy hoại mỗi ngày bởi hàng triệu dòng chữ du khách để lại trên bốn bức tường trong hành trình vượt qua hơn 400 bậc thang lên đỉnh tháp, bất chấp dòng khuyến cáo: “Không viết lên tường”.
Du khách tham quan tháp chuông Campanile để lại “chữ kí số”. |
Tình trạng vẽ bậy xâm hại tất cả các yếu tố cấu thành tháp chuông, từ đá cẩm thạch, gỗ cho đến gạch và nghiêm trọng đến mức kiến trúc sư Beatrice Agostini - phụ trách phục dựng của Opera di Santa Maria del Fiore - cùng 9 chuyên gia phục dựng phải mất ròng rã 3 tháng trời tẩy xóa.
Theo Alice Filipponi, Giám đốc Truyền thông của Opera, để công sức 3 tháng trời quần quật không đổ sông đổ bể chỉ sau một thời gian ngắn, cô đã nảy ra ý tưởng về một loại ứng dụng đảm bảo hai tiêu chí: Du khách vẫn được tự do vẽ bậy trên các loại chất liệu, màu sắc và công cụ bất kì theo sở thích cá nhân; đồng thời khu vực vẽ bậy được quy hoạch một cách văn minh và khoa học để tháp chuông Campanile không bị xâm hại. Và ứng dụng Autography ra đời.
Trong ba ngày đầu tiên ứng dụng Autography được giới thiệu trên các máy tính bảng tại tháp chuông Campanile, trên 3.000 du khách đã ghé thăm địa danh này, để lại 304 lời nhắn số và không có thêm hình vẽ bậy nào xuất hiện trên các bức tường. Theo con số thống kê trong tuần lễ đầu tiên (14 - 20/3), tổng cộng có trên 700 hình vẽ cá nhân của du khách đã được ghi nhận. Nội dung thông điệp của du khách từ tình cảm dành cho địa điểm tham quan cho đến nỗi thất vọng khi tình yêu lứa đôi không được hồi đáp hay lời kêu gọi hòa bình đều sẽ được lưu trữ trực tuyến cho hậu thế. Hằng năm, những nội dung này sẽ được in ra và lưu trữ tại khu lưu trữ của nhà thờ cùng các văn bản lịch sử nổi tiếng khác tại đây.
Trong một tuyên bố, tổ chức Opera cho biết, một mặt ý tưởng này nhằm nâng cao nhận thức của du khách về hành vi vẽ bậy, mặt khác đây cũng là cơ hội để du khách lưu lại dấu ấn bản thân tại địa danh nổi tiếng. Dấu ấn này sẽ mãi trường tồn nhưng không hề làm tổn hại đến công trình nghệ thuật.
Chia sẻ về vấn nạn vẽ bậy, du khách người Đức Laura Bachmann, 21 tuổi nói: “Công trình trông sạch sẽ rất hữu ích vì không ai dám là người đầu tiên làm bẩn”. Trong khi đó, cô sinh viên 21 tuổi người Pháp Anais Pezet tán dương cách làm mới. Theo Pezet, cách làm này giúp du khách để lại thứ gì đó nơi họ đến, nhưng đồng thời vẫn thể hiện sự tôn trọng với các tác phẩm nghệ thuật.
Dù khó có thể xử lý tình trạng vẽ bậy một cách triệt để, song các nhà bảo tồn tại thành phố Florence hy vọng với phương pháp mới, ý thức của du khách sẽ được cải thiện đáng kể và mô hình này có thể sớm được áp dụng cho những địa điểm tham quan khác.