Một tòa án cấp khu vực ở thành phố Frankfurt (Đức) vừa ra phán quyết cấm dịch vụ taxi UberPOP hoạt động trên toàn quốc. Với phán quyết trên, dịch vụ taxi Uber này có thể sẽ bị phạt tới 250.000 euro (khoảng 265.000 USD) cho... mỗi lần vi phạm. Dường như sang năm mới, dòng taxi “sang chảnh” này chưa thoát khỏi các vận đen. Thẩm phán tòa án cho rằng UberPOP vi phạm luật pháp của Đức quy định chỉ có những lái xe chuyên nghiệp được cấp phép mới được phép hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi ứng dụng UberPOP lại không đưa ra quy định bắt buộc về lái xe chuyên nghiệp, khách hàng chỉ cần kết nối với chủ xe thông qua điện thoại thông minh hoặc một website, là có thể đi lại với một mức giá rẻ hơn.
Kể từ khi ra đời năm 2009 tới nay, Uber, dịch vụ vận chuyển hành khách theo dạng chia sẻ xe thông qua một ứng dụng di động, và là "ngôi sao" công nghệ mới nổi tại thung lũng Silicon, liên tục phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng điều hành taxi và cơ quan vận tải tại nhiều thành phố trên toàn thế giới.
Các lái xe taxi tuần hành phản đối dịch vụ UberPop phong tỏa tuyến đường dẫn tới thủ đô Pari ngày 15/12/2014. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những người phản đối cho rằng dịch vụ này sử dụng các tài xế chưa có giấy phép hành nghề, không đáp ứng các tiêu chuẩn về vận chuyển hành khách và vi phạm các điều luật về giao thông vận tải. Bên cạnh đó, những sai lầm trong hệ thống quản lý và lo ngại về tính cá nhân, cũng khiến Uber bị chỉ trích gay gắt.
Tại Ấn Độ, Chính quyền thành phố New Dehli hồi tháng 12 năm ngoái đã ban lệnh cấm các taxi Uber hoạt động trong thủ đô, sau khi một nữ hành khách tại New Dehli đã tố cáo bị một tài xế taxi cưỡng bức khi cô sử dụng dịch vụ đặt xe này. Trước đó, dịch vụ Uber còn bị cho là vi phạm các quy định về hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng. Các hãng taxi truyền thống ở Ấn Độ nói rằng các lái xe Uber đã không tuân thủ luật lệ được thiết lập bởi Ngân hàng trung ương Ấn Độ, yêu cầu bất cứ hình thức thanh toán tín dụng nào cũng đều phải sử dụng quy trình thẩm định hai bước.
Trong khi đó, các nhà chức trách Thái Lan cũng lên tiếng phủ nhận tính hợp pháp của các taxi Uber. Cục Giao thông vận tải đường bộ Thái Lan cho biết các tài xế phục vụ khách thông qua Uber phần lớn không được đăng ký và không được bảo hiểm để lái xe thương mại. Thêm vào đó, hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng của Uber cũng bị xem là không phù hợp với các quy định hiện hành tại Thái Lan.
Giới chức Tây Ban Nha, cũng tháng 12/2014, cho biết một tòa án ở nước này đã ra lệnh cấm hoạt động đối với dịch vụ taxi Uber. Theo quyết định của tòa án, việc các lái xe của Uber có thể sử dụng xe riêng của mình và nhận khách qua ứng dụng UberPop trên điện thoại di động mà không cần đến giấy phép hành nghề là sai quy định, đồng thời đẩy các hãng taxi truyền thống vào môi trường cạnh tranh không công bằng.
Tòa yêu cầu các công ty viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán ngừng mọi hoạt động với Uber vì hiện nay các hoạt động đặt xe và thanh toán với Uber đều được thực hiện thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động. Việc ban hành lệnh cấm trên được coi như một "biện pháp phòng ngừa" sau khi tòa xem xét những kiến nghị từ phía Hiệp hội taxi Madrid, cũng như những khiếu kiện từ nhiều hãng taxi truyền thống khác bởi Uber đã thu hút hầu hết khách hàng kể từ khi xuất hiện tại "xứ sở bò tót".
Dịch vụ đặt xe giá rẻ này cũng đã vấp phải các rào cản pháp lý tại nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ; các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp. Nhiều hãng taxi ở khu vực này đã tổ chức biểu tình trên đường phố nhằm phản đối hoạt động của Uber. Thậm chí tại Mỹ - “sân nhà” của Uber - ứng dụng này cũng không được các nhà chức trách hoan nghênh, sau khi một tài xế không có giấy phép hành nghề của Uber tại thành phố San Francisco đã bị buộc tội gây ra tai nạn dẫn tới tử vong một bé gái sáu tuổi.
Cách đây một năm, Uber chỉ hoạt động tại 60 thành phố thuộc 21 quốc gia. Tuy nhiên, tính tới nay, ứng dụng này đã được phổ biến tại trên 250 thành phố thuộc 50 quốc gia trên toàn thế giới.
Kim Dung(tổng hợp)