Hơi nước bốc lên trắng như sương trên dòng sông sôi. |
Theo truyền thuyết, đâu đó ở vùng Mayantuyacu, tỉnh Inca (Peru) trong khu rừng mưa Amazon có một dòng sông sôi ẩn náu. Nước của con sông này nóng đến mức bất kì loài động vật nào không may rơi vào đều bị luộc chín. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, không thể tồn tại một dòng sông như thế tại khu vực trên bởi lưu vực sông Amazon nằm cách xa nơi có hoạt động núi lửa để tạo ra một lượng địa nhiệt lớn. Ấy thế nhưng, năm 2011, sự tò mò đã dẫn dắt bước chân của chàng sinh viên Ruzo để anh tìm thấy dòng sông sôi tưởng chừng không có thật.
Câu chuyện bắt đầu vào lần đầu tiên Ruzo được nghe ông kể câu chuyện có liên quan đến một dòng sông sôi ở Mayantuyacu. Sau khi sát hại vị hoàng đế cuối cùng của người Inca, những người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ tiến vào rừng mưa Amazon với hy vọng tìm thấy vàng. Nhưng khi quay trở lại, tất cả những gì họ nhắc đến là những câu chuyện kinh hoàng về nước tẩm độc, rắn ăn thịt người và một dòng sông sôi.
12 năm sau, câu chuyện về một dòng sông sôi lại tìm được đường xuất hiện trong bữa tối ở gia đình nhà Ruzo. Dì của anh cho hay bà đã có cơ duyên ghé thăm dòng sông này. Thế là chàng sinh viên đang theo học bằng tiến sĩ ngành địa chất ở trường đại học Southern Methodist (Mỹ) Ruzo bắt đầu tự hỏi liệu đó chỉ là một dòng sông trong truyền thuyết hay thật sự có tồn tại một dòng sông sôi như vậy.
Mong muốn tìm ra sự thật, anh đã hỏi ý kiến các đồng nghiệp ở các trường đại học, chính phủ, công ty dầu lửa. Nhưng câu trả lời anh nhận được luôn là một tiếng "không" đồng nhất. Ruzo giải thích, điều này hoàn toàn hợp lý bởi dù những dòng sông sôi thật sự có tồn tại trên thế giới, nhưng chúng thường phải xuất hiện gần các ngọn núi lửa bởi cần có một nguồn nhiệt lớn để tạo ra một lượng địa nhiệt lớn tương ứng, trái với vị trí của lưu vực sông Amazon.
Lập luận khoa học là vậy, nhưng bất chấp quan điểm bác bỏ của chính mình, Ruzo vẫn lên đường lao vào khu vực rừng mưa Amazon cách xa trung tâm núi lửa gần nhất theo sự hướng dẫn của người dì. Quả nhiên, anh phát hiện ra gia đình mình đã đúng. Sâu bên trong khu rừng mưa Amazon, anh tìm thấy một dòng sông sôi dài khoảng 6,5km. Đây cũng là địa điểm chữa bệnh linh thiêng của người Asháninka ở Mayantuyacu.
Ruzo thám hiểm dòng sông sôi trong truyền thuyết. |
Đoạn rộng nhất của dòng sông sôi rộng 25m và sâu khoảng 6m. Nước ở đây đủ nóng để đun trà và ở một số đoạn nước sôi sùng sục. Ruzo cho biết: “Nếu tôi ngâm tay vào dòng sông sẽ bị bỏng độ 3 chỉ trong chưa đầy nửa giây. Còn ngã vào dòng sông này tôi có thể mất mạng như chơi”.
Sự tồn tại của dòng sông sôi bất chấp việc lưu vực Amazon nằm cách xa các ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động chính là nhờ những khe nước nóng hình thành nơi cách đường đứt gãy bên trong lòng đất. Theo giải thích của Ruzo, cũng như con người có dòng máu nóng chảy trong các mạch máu, Trái đất cũng có dòng nước nóng chạy trong các khe nứt và gãy. Khi những dòng nước này lên đến bề mặt, chúng tạo ra nhiều loại hình địa nhiệt: lỗ phun khí, suối nước nóng và trong trường hợp này là dòng sông sôi.
Có những đoạn nước sông nóng đến nỗi bất kì loài vật nào không may rơi xuống cũng đều bị luộc chín tức thì. Vì nhiều lí do, bấy lâu nay giới khoa học vẫn chưa biết đến sự tồn tại của dòng sông sôi này. Nhưng sau khám phá của mình, Ruzo đã xuất bản một cuốn sách giới thiệu về dòng sông sôi trong rừng mưa Amazon. Và giờ đây chính anh đang nỗ lực cứu dòng sông này trước tình trạng chặt phá rừng lấy gỗ ở khu vực xung quanh. “Đây là một di sản tự nhiên và nếu không ai ra tay bảo vệ, nơi này sẽ không thể tồn tại được”, Ruzo nói.