Truyền thông Trung Quốc và Hồng Công cho biết nhiều loại dược thảo truyền thống bán ở một thị trường nổi tiếng Trung Quốc bị phát hiện nhiễm hóa chất sulphur dioxide (SO2) ở mức độ cao, gây nguy cơ đến sức khỏe người sử dụng.
Chương trình “30 phút kinh tế” của truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV tuần này phát một phóng sự điều tra về thị trường dược thảo ở tỉnh Cam Túc của nước này. Một người bán hàng tiết lộ: “Sau khi hấp và hun với lưu huỳnh, dược thảo bị nhiễm SO2 có hại cho cơ thể người dùng. Tuy nhiên, để bảo quản chống mốc và sâu bọ, người trồng vẫn thường xử lý thuốc bằng lưu huỳnh”.
Zhang Yuan, một giáo sư tại đại học Đông y ở Bắc Kinh cho biết thuốc đông y vẫn thường được xử lý bằng một lượng nhỏ lưu huỳnh và đây là một cách làm truyền thống.
Tuy nhiên, phóng sự của CCTV nhận định rằng ngày nay, người trồng dược thảo cũng như giới buôn bán mặt hàng này đang lạm dụng lưu huỳnh quá mức để nhằm kéo dài “tuổi thọ” đồng thời khiến dược thảo trông “bắt mắt” hơn.
Theo phóng sự, tình trạng này rất thịnh hành ở huyện Long Tây (tỉnh Cam Túc), nơi cung cấp tới 20% tổng số dược thảo Trung Quốc, trong đó chiếm tới 70% nguồn cung đẳng sâm. Trong danh sách bị nhiễm lưu huỳnh có nhiều loại được dùng rộng rãi như đẳng sâm, hoàng kỳ, đương quy…
Dùng lưu huỳnh xử lý trong vòng 2 ngày, dược thảo có thể giữ được lâu tới 3 năm hoặc hơn nữa nếu lặp lại tiến trình. Trong khi đó, dược thảo không dùng lưu huỳnh xử lý chỉ giữ được trong vài tháng dưới nhiệt độ mùa hè.
Năm 2004, cơ quan quản lý thuốc và dược phẩm Trung Quốc đã cấm sử dụng lưu huỳnh trong chế biến thuốc đông y. Tuy nhiên, lưu huỳnh là cách bảo quản đơn giản nhất và rẻ tiền nhất. Một lượng 50 kg lưu huỳnh công nghiệp có giá chỉ 100 nhân dân tệ, đủ dùng cho xử lý 5.000 kg dược thảo.
Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hồng Công)