Tràn lan nạn mua bán tiểu luận tại trường đại học Australia

Một cuộc nghiên cứu gần đây do tờ The Age tiến hành cho thấy, hiện có một thị trường ngầm mua bán các bài tiểu luận đang hết sức sôi động trên mạng Internet, giúp sinh viên các trường đại học tại Australia vượt qua những đợt kiểm tra bắt buộc.

 

Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Các sinh viên được hỏi cho biết họ mua tiểu luận sau khi ghé thăm các trang mạng xã hội bằng tiếng Trung Quốc. Những "doanh nghiệp" tự quảng cáo công khai trên các trang mạng quen thuộc với sinh viên quốc tế rằng họ chuyên nhận viết và cung cấp các bài tiểu luận đủ loại đề tài và cấp độ, từ các môn khoa học xã hội cho tới khoa học kỹ thuật, từ bài tập về nhà cho tới nghiên cứu chuyên sâu.

 

Dạng dịch vụ này được coi là một bí mật mở giữa các sinh viên quốc tế. Ví dụ, một sinh viên Đại học Melbourne đã bị tống tiền sau khi từ chối thanh toán cho một bài luận. Cô sinh viên đề nghị giấu tên này trước đó đã đặt mua một bài luận trên mạng vì sợ không kịp nộp bài đúng thời hạn. Cô còn nói rằng biết ít nhất 5 sinh viên khác cũng phải đi mua bài luận để nộp. Cô cho biết: "Tôi thấy số điện thoại liên lạc ‘giúp đỡ bài luận’ dán trên bảng tin của trường. Tôi gửi email cho họ và rất ngạc nhiên khi nhận được thư trả lời toàn bằng tiếng Trung Quốc. Tôi nghĩ có nhiều người gốc Trung Quốc sử dụng dịch vụ này".

 

Dịch vụ viết tiểu luận thuê tiếp cận sinh viên trực tiếp thông qua các trang mạng xã hội như Weibo, QQ và MSN. Những dịch vụ này còn đăng quảng cáo trên nhiều trang tin tức bằng tiếng Trung tại Australia. Một bài tiểu luận dài 1.000 từ có giá trung bình từ 160-220 AUD. Trên trang Weibo, tài khoản của một nhà cung cấp dịch vụ viết tiểu luận thuê có tới gần 500.000 người theo sát.

 

Tuy nhiên, chất lượng bài viết mà các dịch vụ này cung cấp cũng hết sức nghèo nàn. Cô sinh viên nhắc tới ở trên cho biết bài luận cô nhận được tệ đến mức cô quyết định tự viết. Cô đã viết thư phàn nàn với người cung cấp dịch vụ, có trụ sở tại Hong Kong, và sau đó bị đe dọa thông báo cho nhà trường nếu không thanh toán chi phí.

 

Cuối cùng, để được yên thân sinh viên này đã phải trả hơn 200 AUD và nhận được bài luận trước hạn nộp đúng 2 ngày. Cô cho biết: "Bài luận đúng là đồ bỏ đi. Nó giống như bài làm của một học sinh trung học chứ không phải do sinh viên đại học viết ra".

 

Hơn nữa, các bài luận chủ yếu dùng nhiều đoạn văn và ý tưởng cóp nhặt từ mạng Internet. Nhiều trường đại học sử dụng các phần mềm phát hiện thủ đoạn này của sinh viên như Turnitin. Nhưng một số người viết luận thuê đảm bảo họ có thể qua mặt được các phần mềm đó.

 

Ruth Walker, một giảng viên tại Đại học Wollongong cho biết các "lò tiểu luận trực tuyến" nhằm cả vào sinh viên Australia lẫn sinh viên quốc tế. Những người viết luận tốt có thể viết theo hướng phù hợp với khả năng của khách hàng để giáo viên không thể nhận ra sự khác biệt với các bài luận trước.

 

Theo Giáo sư Andrew Christie chuyên về sở hữu trí tuệ tại Đại học Melbourne, dịch vụ viết luận thuê đang hoạt động trong vùng đệm nhưng có vẻ không vi phạm pháp luật. Nói cho cùng thì những người cung cấp dịch vụ không phạm luật, nhưng các sinh viên thì không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với nhà trường.

 

Đại học Deakin hồi đầu năm cũng phát hiện nhiều trường hợp nộp bài luận không tự tay viết nhưng không nhà trường không đưa ra bất cứ bình luận nào.

 

Quang Minh (P/v TTXVN tại Australia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN