Trả tiền để được đến cửa hàng… dọn vệ sinh

Tại các cửa hàng bán đồ trang sức trên một con phố ở Sri Lanka, đã có rất nhiều người muốn trả tiền để được vào nhà vệ sinh dọn dẹp.

Chú thích ảnh
Anh Mavin kiếm sống bằng cách quét dọn nhà tắm của các cửa hàng trang sức trên phố Sea Street. Ảnh: SCMP

Thông thường, các doanh nghiệp sẽ phải trả tiền cho ai đó nếu họ muốn dọn dẹp không gian sạch sẽ. Tuy nhiên, tại các cửa hàng nằm trên con phố Sea Street, một trung tâm bán đồ trang sức nổi tiếng ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, bạn sẽ phải trả phí nếu muốn vào đây để dọn dẹp.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) gần đây đã phát sóng một đoạn phim tài liệu ngắn, kể về một công việc đặc biệt của người đàn ông nghiện ma túy tại Colombo, Sri Lanka. Ông Mavin, 47 tuổi, đã có thu nhập để trang trải cuộc sống nhờ công việc quét dọn nhà tắm tại các cửa hàng trang sức trên phố Sea Street, nơi ông này gọi là “con phố quý giá nhất ở Sri Lanka”. Điều khiến mọi người chú ý chính là ông Mavin phải trả tiền để được đến đây dọn dẹp.

Trên phố Sea Street, các cửa hàng vàng, kim cương và trang sức nằm san sát nhau. Chỉ có điều họ không trả tiền cho những người như Mavin để dọn dẹp mà đòi một khoản phí từ những người này.

Phải trả tiền để được dọn vệ sinh cho người khác nghe thật vô lý, nhưng tại con phố “quý giá nhất Sri Lanka”, điều đó là hoàn toàn hợp lý. Theo ông Mavin, thợ kim hoàn làm việc ở con phố này chắc chắn sẽ làm rơi rớt một lượng vàng nhỏ, hầu hết ở dạng siêu nhỏ. Khi làm việc, thợ kim hoàn sẽ đổ mồ hôi, nên phần lớn lượng vàng “hao hụt” này sẽ bám vào cơ thể họ. Khi họ tắm ở nhà vệ sinh phía sau cửa hàng, toàn bộ số vàng này sẽ trôi xuống, đọng lại trên sàn. Đây cũng là lý do mọi người phải trả tiền cho các cửa hàng vàng để có cơ hội giữ lại số vàng ít ỏi mà họ thu lượm được khi dọn dẹp phòng tắm.

“Để được đến dọn dẹp phòng tắm hoặc nhà vệ sinh trên phố Sea Street, người dọn dẹp phải trả tiền cho chủ cửa hàng. Khi trả phí dọn dẹp nhà tắm, tôi không biết mình sẽ thu lượm được bao nhiêu vàng. Nó giống như một vận may, chẳng thể đoán trước được”, ông Mavin nói.

Chú thích ảnh
Những người dọn dẹp sẽ thu được vàng từ việc nhặt nhạnh những hạt bụi trôi từ người thợ kim hoàn xuống nhà vệ sinh. Ảnh: OD

Sau khi cẩn thận chà rửa sàn phòng tắm để tìm những hạt bụi có giá trị nhất, người dọn dẹp sẽ lọc bụi bẩn và mang chúng đi đãi như những người đào vàng thời xưa. Phần cát còn sót lại trong bụi có thể chứa các hạt vàng mịn, sau đó họ sẽ xử lý chúng bằng hóa chất, bao gồm cả axit và thủy ngân để tách vàng, loại bỏ các cặn bụi không cần thiết.

Trong bộ phim tài liệu được phát sóng, ông Mavin đã tìm cách thu được một viên vàng nặng 0,6 gram. Ông ước tính có thể được bán với giá 13 đến 14 USD vào thời điểm đó. Anh cho biết đôi khi anh kiếm được ít hơn, cũng có thể kiếm được nhiều hơn thế, nhưng hầu hết anh đều có lợi khi làm công việc này.

“Tôi chưa bao giờ bị lỗ cả, luôn luôn có lời. Tôi chi 1 rupi và kiếm được 10 rupi. Tôi chưa bao giờ thua lỗ trong công việc này cả”, Mavin nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Israel sản xuất khẩu trang nạm vàng đắt nhất thế giới
Israel sản xuất khẩu trang nạm vàng đắt nhất thế giới

Một công ty trang sức tại Israel cho biết họ đang sản xuất một loại khẩu trang đắt đỏ nhất thế giới. Đây là chiếc khẩu trang nạm vàng, đính kinh cương trị giá 1,5 triệu USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN