Thám hiểm hồ nước thời tiền sử ở Nam Cực

Một cửa sổ nhỏ hướng tới thế giới chưa từng được biết đến của hồ nước ngọt Vostok, hay còn gọi là hồ Phương Đông, ở Nam Cực đã được mở ra sau khi các nhà nghiên cứu Nga khoan một mũi sâu tới mặt hồ chưa từng được khai phá từ hàng chục nghìn năm nay. Đây là thông báo của Viện nghiên cứu Bắc và Nam Cực của Nga, công bố ngày 9/2.

Hình ảnh hồ Vostok chụp từ vệ tinh.


Thông báo cho biết đoàn thám hiểm Nam Cực thứ 57 của Nga đã hoàn tất mũi khoan xuyên qua lớp băng dày gần 4 km, chạm tầng nước có từ thời tiền sử của hồ Vostok. Hiện tại, các nhà khoa học chưa vội lấy mẫu nước từ hồ này do lo ngại nước bị pha lẫn các nhiên liệu được sử dụng trong quá trình phá băng. Thay vào đó, họ sẽ đợi một cột nước từ hồ Vostok phun lên, sau đó sẽ lấy mẫu nước trong khoảng thời gian từ tháng 12/2012 tới tháng 1/2013. Họ cũng không thể đưa nước từ hồ về Nga bằng máy bay để nghiên cứu do các quy định nghiêm ngặt về vận chuyển chất lỏng, mà sẽ chuyển bằng một chuyến tàu thủy nghiên cứu, dự kiến đến hồ này vào tháng 5/2013.

Trưởng đoàn thám hiểm Valery Lukin cho rằng xét về mức độ phức tạp, tầm quan trọng và tính duy nhất, việc tìm thấy hồ Vostok có thể sánh được với chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ.

Hồ Vostok là quần thể nước dưới băng lớn nhất ở Nam Cực. Hệ sinh thái nước của hồ này bị cô lập với khí quyển từ ít nhất một triệu năm. Các nhà khoa học hy vọng những phát hiện trong lòng hồ có thể hé lộ những hình thức sự sống mới hoặc cái nhìn đại cương về hành tinh của chúng ta từ thời kỳ đồ đá. Và nếu khoa học tìm thấy sự sống ở hồ Vostok thì đây cũng là lời đáp thỏa đáng nhất cho câu hỏi liệu sự sống có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt như trên Sao Hỏa hay trên mặt trăng Europa của Sao Mộc hay không.

TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN