Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko với tài thi phú đã giúp gìn giữ và phát triển truyền thống làm thơ cổ waka trong gia đình hoàng tộc. |
Waka là một thể loại thơ cổ có xuất xứ từ Hợp tuyển thơ ca Manyoshu có từ thế kỷ thứ 8. Năm 1986, khi còn là Hoàng Thái tử và Công nương, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko lần đầu tiên cho ra mắt tuyển tập waka Tomoshibi (Ánh sáng).
Để đáp lại yêu cầu tha thiết của người dân, tuyển tập thơ waka Se-oto (Tiếng suối) của Hoàng hậu được xuất bản năm 1997.
Vào tháng 1 hàng năm, Nhà vua Akihito cho tổ chức Lễ hội đọc thơ năm mới trong Hoàng cung. Tại đây, 10 bài thơ waka được chọn trong hơn 20.000 tác phẩm được công chúng sáng tác và đăng ký sẽ được ngâm thơ theo cách truyền thống, cùng với waka do Nhà vua, Hoàng hậu và các thành viên hoàng gia sáng tác.
Ngoài làm thơ, Nhà Vua Akihito rất quan tâm đến lịch sử Nhật Bản và thế giới. Theo đề nghị của tạp chí Khoa học xuất bản số đặc biệt năm 1992 tại Nhật Bản, ngài đã chấp bút bài tiểu luận “Những nhà khai phá khoa học đầutiên tại Nhật Bản” nói về lịch sử khoa học thời sơ khai ở Nhật Bản sau khi người châu Âu đến quần đảo này.
Năm 1999, để kỷ niệm 10 năm Nhà vua lên ngôi, cuốn sách Michi (Con đường) được biên soạn và xuất bản, gồm tuyển tập các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn tại các cuộc họp báo và thơ waka của Nhà vua và Hoàng hậu. Năm 2009, phần tiếp theo của cuốn sách được xuất bản để kỷ niệm 20 năm ngày lên ngôi của Nhà vua.
Tháng 10/2005, tập Ayume (Các bước đi), cuốn sách biên soạn những nhận xét của Nhà vua vào các dịp khác nhau, trả lời báo giới và thơ waka đã ra mắt. Quyển sách được in bằng 2 thứ tiếng, tiếng Nhật và tiếng Anh.
Hoàng hậu Michiko quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật và đặc biệt hiểu biết sâu sắc về văn học cổ điển Nhật Bản. Bà cũng duy trì mối quan tâm của mình đối với văn học thiếu nhi và cũng đóng góp vào lĩnh vực này. Cuốn truyện tranh “Ngọn núi đầu tiên của tôi”, nội dung do Hoàng hậu sáng tác, được xuất bản năm 1991.
Bà cũng đóng góp vào lĩnh vực dịch thuật. Bà đã dịch 80 bài thơ của Michio Mado, được mệnh danh là nhà thơ của thiếu nhi. Những bản dịch này đã được xuất bản. Nhờ có những bài thơ đã được Hoàng hậu dịch, nhà thơ Michio Mado đã được tặng giải thưởng văn học Hans Christian Ardersen của Ủy ban Quốc tế về Sách dành cho người trẻ tuổi (IBBY) năm 1994, trở thành người châu Á đầu tiên được nhận giải này.
Tại đại hội lần thứ 26 của IBBY tại Ấn Độ năm 1998, Ban tổ chức IBBY mời Hoàng hậu gửi phát biểu chính thức thông qua video. Trước nhiều lời đề nghị, bài phát biểu sau đó được xuất bản song ngữ với tiêu đề: “Xây dựng cầu nối-Hồi tưởng lại việc đọc sách thời thơ ấu”.
Năm 2002, nhận lời mời của IBBY và thành phố Basel, Thụy Sỹ, Hoàng hậu đã tham gia Lễ Kỷ niệm của ban tổ chức tại Basel với tư cách là một trong 3 nhà bảo trợ và đã phát biểu chào mừng trong lễ khai mạc. Bài phát biểu được in trong tập “Từ Basel tới những người mang sách đến với trẻ em”.