Các sinh viên ôn luyện cho kì thi cuối năm trong khóa học y tá tại Đại học Bucheon. |
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc, trong năm nay, lượng cử nhân chọn học nghề đã lên tới 1.319 người, và con số này có thể cao hơn nêu như tính gộp cả những sinh viên bỏ đại học để theo con đường này.
Một quan chức tại hội đồng cho biết “Ngày càng có nhiều sinh viên ý thức được rằng các kỹ năng sẽ tạo thuận lợi xin việc hơn là chỉ có một tấm bằng đại học. Các trường dạy nghề hiện nay đưa ra khóa học dạy kỹ năng gắn liền với thực tế, đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm”.
Một nữ cử nhân 28 tuổi giấu tên quyết đăng kí vào khóa y tá tại một trường dạy nghề. Ngay sau khi hoàn thành khóa học, cô vào làm việc tại một bệnh viện ở thủ đô Seoul. Cô chia sẻ “khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã rất tự hào khi có thể bước vào đại học và có một vị trí tốt hơn người bạn cùng lớp đi học nghề về nha khoa. Nhưng quan điểm của tôi hoàn toàn thay đổi khi người bạn đó ra trường và tìm được công việc phù hợp. Tôi nhận ra điều quan trọng là bạn có khả năng thực hiện và thể hiện khả năng của mình trong công việc cụ thể chứ không phải là cầm trong tay một tấm bằng giấy”.
Y tá là một trong những nghề được nhiều bạn trẻ chọn học khi rời trường đại học, bên cạnh giáo viên mầm non và điều dưỡng vật lý trị liệu. You So-young – giáo sư ngành y tế tại đại học Bucheon cho biết “Tình trạng sinh viên ra trường mà không tìm được công việc đúng ngành nghề của mình đang ngày càng phổ biến. Sự cạnh tranh trong thị trường việc làm ngày một khốc liệt. Nhiều em sinh viên chuyển sang làm y tá hiện do xã hội Hàn Quốc đang ở trong tình trạng già hóa dân số, nên các trung tâm y tế, đặc biệt chăm sóc bệnh nhân cao tuổi đang đòi hỏi tuyển dụng số lượng nhân viên lớn ”.
Y tá nam Jang Dong-hae, 25 tuổi, bỏ dở đại học đang thực tập tại trường đại học Bucheon. |
Sống trong một đất nước có lối suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức đại học là con đường duy nhất dẫn tới thành công, Jang Dong-hae đã khiến cha mẹ một phen hoảng loạn khi bỏ học tại một trường tài chính, rẽ ngang học làm y tá. “Sau khi học xong năm thứ nhất đại học, tôi không chắc liệu sau này mình có thể được nhận vào một công ty có tiếng hay không. Tôi quyết định bỏ dở con đường lấy tấm bằng cử nhân, học làm y tá bằng số tiền làm thêm của mình và hiện giờ sau 5 năm, tôi đã có một công việc như ý”.
“Tham vọng của cha mẹ gửi con cái tới các trường đại học tốt cũng đang dần thuyên giảm”, Son Jong-chil – giáo sư ngành kinh tế tại Đại học Quốc tế Hankuk – nhận định, “ngày càng có nhiều người nhận ra rằng không phải ai cũng phải vào đại học thì mới thành công”.
Năm ngoái, tỉ lệ có việc làm cho các học sinh tốt nghiệp trường nghề là 61%, so với sinh viên đại học là 52,6%. Độ chênh lệch giữa hai con số này đã tăng từ 5,3% năm 2012 đến 8,4% năm 2014. Theo dữ liệu thống kê, tháng 2/2015, hơn 11% thanh niên trong độ tuổi 15-29 thất nghiệp – con số cao nhất ghi nhận được từ cuối những năm 1990. Cho đến tháng 10, số người không có việc làm giảm xuống 7,4% nhưng vẫn gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp chung.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc sinh viên đang học dang dở hay đã tốt nghiệp đại học rồi mà còn thay đổi ngành, chọn đăng kí học nghề, là một việc làm tốn thời gian và tiền bạc. Giáo sư Yang Jung-ho tại đại học Sungkyunkwan gợi ý, “Đã đến lúc chúng ta phải phát triển hệ thống nâng cao nhận thức của học sinh, giúp các em có thể chọn trường phù hợp với khả năng và sở thích của chính bản thân, cũng như đáp ứng nhu cầu cho các vị trí việc làm đa dạng trong xã hội hiện nay”.
Truyền thống các vị phụ huynh Hàn Quốc luôn quan niệm đỗ đại học là bước ngoặt lớn trong đời, đảm bảo sự thành công cho con cái họ sau này. Vào mỗi kỳ thi đại học, cả xứ sở Kim Chi dường như toàn lực dồn sức giúp các em học sinh có điều kiện thoải mái nhất để tập trung làm bài. Sàn chứng khoán mở cửa muộn hơn, lực lượng an ninh có mặt 24/24 trên đường sẵn sàng đưa học sinh đến kịp giờ thi. Trong 35 phút môn thi nghe tiếng Anh, tất cả các chuyến bay dân dụng đều không được phép cất cánh hay hạ cánh tại Hàn Quốc nhằm giảm bớt tiếng ồn. Mọi hi vọng tâm nguyện của người thân gia đình đều hướng về các trường học, kéo theo gánh nặng stress đè trên đôi vai các em học sinh đang vật lộn với các con số, hàng chữ trong phòng thi.