Tọa lạc trong khuôn viên khu bảo tồn Kampong Glam ở Singapore, AAC thuộc sở hữu của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia và được công ty Arts House Limited của Natalie quản lý. Với hai nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị nghệ thuật, văn hóa trong cộng đồng, đồng thời gìn giữ một phần lịch sử của đất nước, từ tháng 6/2013, AAC non trẻ với vai trò là một trung tâm dành cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật bắt đầu mở cửa đón du khách, tập trung vào các loại hình nghệ thuật trình diễn.
Theo chia sẻ của Natalie, công việc của cô chưa bao giờ là câu chuyện dễ nói và dễ làm. Vì đặc thù vị trí, AAC gặp chướng ngại ngay trong việc vượt ra khỏi cách nghĩ về một khu bảo tồn lịch sử. Và đó chính là lý do bước đầu thôi thúc Natalie không thể ngồi yên đợi du khách tự đặt chân tìm đến.
Về mặt nội dung, dựa trên ưu thế sẵn có của một quận bảo tồn theo chính sách phát triển của thành phố, AAC phát huy tối đa các thế mạnh lịch sử, văn hóa của vùng đất di sản. Mỗi một hoạt động diễn ra trong khu vực bảo tồn này đều được phản ánh một cách linh hoạt và sinh động trong các hoạt động của trung tâm.
Natalie giới thiệu với du khách tác phẩm của các nghệ sĩ trên tường tại AAC. |
Ngoài nghệ thuật truyền thống của cộng đồng, những loại hình nghệ thuật đương đại và các nghệ sĩ đương đại cũng tìm được tiếng nói và phát huy sức sáng tạo tại đây, một trong bốn trung tâm nghệ thuật ở Singapore có sứ mệnh hỗ trợ các nghệ sĩ của nước nhà.
Với những bước đi này, AAC góp phần tạo ra một cộng đồng những người yêu thích và quan tâm các bộ môn nghệ thuật. Không chỉ các nghệ sĩ, mà các nhóm bạn bè, gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, đều có thể đến đây để khám phá, trải nghiệm chính văn hóa và nghệ thuật của đất nước. Tháng 1 vừa qua, trong Tuần lễ Nghệ thuật Singapore, AAC thu hút 4.439 lượt du khách, một con số không hề nhỏ nếu xét đến quy mô của trung tâm.
Dạo quanh trung tâm giới thiệu về tác phẩm graffiti của các nghệ sĩ, Natalie cho biết cô không tránh khỏi những lúc thấy khó khăn và vất vả. Vì “chủ đất” chỉ hỗ trợ một phần tiền và số còn lại đến từ các hoạt động như cho thuê mặt bằng, Natalie cáng đáng hầu hết trách nhiệm để giảm tối đa chi phí.
Công việc nhiều, thời gian thì có hạn, song Natalie vẫn khẳng định tâm huyết cô bỏ ra là xứng đáng trong hành trình đưa Kampong Glam nói chung và AAC nói riêng đến gần hơn với du khách, để đạt mục tiêu người dân thưởng thức và có những trải nghiệm đáng giá với nghệ thuật, văn hóa và lịch sử của thành phố và đất nước họ.
Trên hành trình đó, những bước chân Natalie đang đi đầy bản lĩnh không hề đơn độc. Những giá trị cô muốn tạo ra chính xác là điểm hướng đến của các thành phố toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Các Thành phố Thế giới lần thứ 5 diễn ra tại Singapore tháng trước, bàn về tương lai của các thành phố, Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shamugaratnam đã khẳng định sự cần thiết của những không gian văn hóa, nơi các nghệ sĩ tạo nên những giá trị bền vững của cộng đồng.
Tổng thống Singapore Tony Tan trong bài phát biểu khai mạc cũng nhấn mạnh: “Văn hóa là mỏ neo căn cước”. Vượt ra khỏi cách nghĩ về cơ sở hạ tầng, văn hóa sẽ là một trong các trọng tâm phát triển của các thành phố toàn cầu bởi nắm giữ linh hồn của thành phố. Và một thành phố phát triển phải là một thành phố có di sản.
Vui với công việc, tự dặn lòng không được phép quên lắng nghe phản hồi của du khách, Natalie Tan tin tưởng có thể giữ cho AAC đi đúng hướng.