Shop bán lẻ 'lâm nguy' vì mua sắm trực tuyến

Đến năm 2018 sẽ có đến 1/5 số cửa hàng tại Anh buộc phải đóng cửa, bởi các “thượng đế” của xứ sương mù đã không còn hứng thú với thói quen mua sắm truyền thống mất thời gian mà chuyển sang hình thức mua hàng qua Internet với những cú nhấn chuột nhanh gọn.

Tại các khu phố lớn ở Anh hiện nay, cứ 8 cửa hàng thì có 1 cửa hàng đã đóng cửa hoặc chuẩn bị đóng cửa.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu bán lẻ (CRR), trong 5 năm tới, hơn 282.000 cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại Anh sẽ giảm xuống còn 220.000, kéo theo hơn 160 công ty cỡ vừa và lớn bị phá sản, đẩy 316.000 người vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, doanh thu từ các gian hàng trực tuyến đang tiếp tục tăng và sẽ chiếm khoảng 21,5% tổng doanh thu bán lẻ của cả nước cho đến cuối thập kỷ này.


Từ năm 2012 đến nay đã có 16 hãng bán lẻ lớn ở Anh bị phá sản, khiến gần 15.000 nhân viên bị mất việc. Số cửa hàng bỏ trống, không hoạt động kinh doanh đã tăng từ 5,4% năm 2008 lên 14,1% vào tháng 3/2013. Con số này có thể lên tới 24%, theo cảnh báo của CRR.


Các cửa hàng dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm sẽ phải đóng cửa trước tiên. Tiếp đến là các nhà bán lẻ sách báo, văn phòng phẩm, quà tặng và băng đĩa nhạc.


Bên cạnh xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi thì chi phí kinh doanh ngày càng tốn kém cũng là một lí do khiến ngành bán lẻ Anh “đuối sức”. So với năm 2006, chi phí để thuê một cửa hàng nhỏ nằm tại vị trí thuận lợi đã tăng lên 20%, vào khoảng 10.000 bảng/tháng. Trong khi đó, chi phí mở một kho hàng có cùng diện tích ở ngoại ô thành phố để phục vụ cho hoạt động bán hàng trực tuyến chỉ mất từ 650 - 1.800 bảng/tháng.


Xứ Wales - khu vực chịu ảnh hưởng của xu hướng mua sắm trực tuyến nghiêm trọng nhất nước Anh - hiện đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa 29% các gian hàng. Theo sau là khu Tây Bắc với 28%trong khi thủ đô Luân Đôn sẽ là nơi có ít cửa hàng phải đóng cửa nhất với 9%.


Theo nhận định của ông Joshua Bamfield, giám đốc CRR: “Ngày nay, người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn để mua một món đồ như tới trực tiếp cửa hàng hay vào xem trang web của cửa hàng đó, tham khảo nhận xét của những người mua trước và so sánh giá cả”. Ông Bamfield cho rằng, những người kinh doanh bán lẻ, nếu muốn tồn tại, thì cần lập ra các chiến dịch kinh doanh rõ ràng trước sự thay đổi của thị trường và phương thức mua sắm của khách hàng. Ngoài ra còn phải vận dụng công nghệ thông tin như quảng cáo, kinh doanh qua điện thoại thông minh và lập các website, ứng dụng hỗ trợ bán hàng.


Trong bản báo cáo, CRR cũng đề nghị chính phủ Anh đầu tư 320 triệu bảng để khắc phục sự ảm đạm của ngành bán lẻ nước này bằng cách xây mới các cửa hàng bán lẻ đã ngừng kinh doanh trên các con phố lớn thành những khu giải trí, các cơ quan văn phòng để tạo ra nguồn khách hàng mới.

 

Ngày càng có nhiều người Xinhgapo ưa chuộng hình thức mua sắm đầy tiện ích qua Internet, theo khảo sát của tổ chức thanh toán MasterCard.

 

65% trong số 500 người được hỏi cho biết họ đã sử dụng hình thức mua sắm qua mạng trong năm 2012, tăng 8% so với năm 2011. Có đến 91% người dân Xinhgapo đã mua sắm trực tuyến ít nhất là một lần trong 3 tháng đầu năm 2013. Sở dĩ dịch vụ này đang phát triển mạnh ở Xinhgapore là bởi chất lượng hàng hóa và chăm sóc hậu mãi khá tốt, giá cả trên mạng cũng thường rẻ hơn so với giá cửa hàng thực do tiết kiệm được nhiều chi phí.


Hoàng Trang (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN