Nhiều người Séc bày tỏ thái độ phản đối người nhập cư Hồi giáo. Ảnh: Trần Quang Vinh |
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, cũng theo gói đề xuất này, ngược lại, nếu một nước từ chối tiếp nhận một người tị nạn nào đó, thì nước này sẽ bị phạt 250.000 euro và số tiền này sẽ được trả cho nước nào tiếp nhận người tị nạn nói trên. Một cơ quan đặc biệt của EU về các vấn đề tị nạn cần có trách nhiệm phân bổ người di cư.
Phát biểu trong phiên thảo luận gói đề xuất của EC, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề châu Âu của Quốc hội Séc Ondrej Benisek cho biết chính sách di trú của Séc sẽ do chính phủ và quốc hội nước này quyết định, chứ không phải EC hay Quốc hội Đức.
Trong khi đó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker cũng cho rằng việc phân bổ người tị nạn tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Đài phát thanh Ba Lan dẫn tuyên bố của ông Juncker đưa ra ngày 22/9 nói rằng tinh thần đoàn kết trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn cần dựa trên việc tự nguyện tiếp nhận người tị nạn và không thể bị áp đặt.
Phát biểu tại Diễn đàn Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Nghị viện châu Âu, ông Juncker đã kêu gọi giúp đỡ trực tiếp người tị nạn tại các nước mà từ đó họ tới châu Âu. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ hữu hiệu các đường biên giới bên ngoài EU cũng như kiểm soát nghiêm ngặt dòng người tị nạn với lý do châu Âu không thể tiếp nhận tất cả 60 triệu người tị nạn.
Chủ tịch EC đồng thời chỉ trích một số “nước Công giáo” từ chối tiếp nhận người tị nạn Hồi giáo. Ông cũng kêu gọi Slovakia, nước hiện là Chủ tịch luân phiên EU, có tiếng nói với các nước hiện có quan điểm ngần ngại đối với người tị nạn.