Lớp học của cô Emma McCluskey trông không khác gì lắm so với những lớp học bình thường khác. Một biểu đồ về động từ, những tấm poster và các tác phẩm trang trí của học sinh tô điểm trên tường. Các cô cậu học trò 7, 8 tuổi gò lưng bên bàn học, nhướng trán lên để tập trung vào bài giảng.
Những chiếc máy tính bảng đang hỗ trợ tích cực cho chương trình giảng dạy mới tại châu Âu. Ảnh: Internet |
Đó là quang cảnh có thể đã xuất hiện ở bất cứ thời nào kể từ khi Shakespeare đi học, ngoại trừ một chuyện: Thay vì sách giáo khoa, học sinh trong lớp chăm chăm nhìn vào những chiếc máy tính bảng được kết nối với mạng băng thông rộng không dây. Trong một thời đại mà những đứa trẻ học cách sử dụng màn hình chạm trước cả khi biết nói, công nghệ máy tính bảng đã được ứng dụng nhằm biến “giảng dạy” thành một từ mới “rất táo bạo”, và các học sinh của cô McCluskey đã được mời thử nghiệm.
Hồi tháng 9, Trường Anh ngữ Pari (BSP), nơi cô McCluskey giảng dạy, đã trở thành một trong hàng loạt trường học trên khắp châu Âu quyết định tổ chức lại hoạt động giảng dạy bằng công nghệ vốn đã trở thành không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ.
Mỗi học sinh (từ 4 - 18 tuổi) tại ngôi trường quốc tế ở ngoại ô Pari này và tất cả giáo viên đều được phát một máy tính bảng iPad để bắt đầu học kỳ đầu tiên vào mùa thu.
Nhưng không phải ai cũng được thuyết phục bởi chương trình giảng dạy kiểu mới. Các bậc phụ huynh đều lo ngại bọn trẻ sẽ vào Facebook ngay khi giáo viên quay mặt lên bảng, hoặc chiếc iPad trong túi sẽ khiến chúng “học gạo”.
Ba tháng sau, thầy trò trường BSP vẫn đang thích ứng và thí nghiệm không phải lúc nào cũng trôi chảy. Chẳng hạn, việc lướt web trong giờ nghỉ giải lao đã bị cấm sau khi một số học sinh té xỉu vì mệt. Nhưng nhìn chung, kết quả là tích cực với cả học sinh lẫn giáo viên. “Bình thường, các bài giảng thật buồn tẻ nhưng giờ thì đã sinh động hơn nhiều”, cô McCluskey cho biết.
Giống như hầu hết các trường học ở châu Âu, BSP vốn đã được kết nối với môi trường học trực tuyến, với nhiều nguồn giảng dạy được lấy từ Internet và các lớp học đều được trang bị bảng tương tác. Giờ đây, với sách giáo khoa điện tử, học sinh có thể tiếp cận các nguồn kiến thức tùy theo nhịp độ riêng của mỗi người. “Học sinh ngày nay là ‘thổ dân’ của công nghệ này. Chúng ta không thể yêu cầu các em học theo phong cách thế kỷ 20 khi rõ ràng chúng đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác”, thầy hiệu trưởng Steffen Sommer nói.
Học sinh của cô giáo McCluskey đến từ nhiều nơi trên thế giới, một số ban đầu chỉ nói được ít tiếng Anh khiến việc học gặp khó khăn. Nhưng học với máy tính bảng đã tạo ra động lực lớn cho học sinh. “Khi phải làm gì đó với chiếc iPad, bọn trẻ thực sự không thể kiên nhẫn chờ nó khởi động, trong khi học với sách giáo khoa, chúng phải mất khoảng 10 phút chỉ để viết được ngày tháng”, cô nói.
Kế hoạch ban đầu của BSP là đề nghị cha mẹ lo cho mỗi học sinh một chiếc tablet riêng, nhưng cuối cùng họ quyết định trang bị đồng bộ vì việc hoạt động trên các nền tảng điều hành khác nhau là quá phức tạp. iPad của Apple được lựa chọn một phần bởi pin sử dụng lâu và cũng do danh tiếng của công ty công nghệ có giá trị lớn nhất thế giới này.
Apple đã dành nhiều năm để khẳng định vị thế trong làng thiết bị internet phục vụ ngành giáo dục, với hơn 20.000 ứng dụng về học tập. Tại thời điểm ra mắt các ứng dụng sách giáo khoa điện tử hồi tháng 1/2012, Phó Chủ tịch Phil Schiller của Apple cho biết, hiện có 1,5 triệu chiếc iPad đang được sử dụng trong giáo dục và mẫu iPad mini mới ra mắt tháng trước cũng đã được thiết kế đặc biệt cho thị trường này.
Quan điểm của thầy hiệu trưởng Sommer là mỗi giáo viên được quyền quyết định cho sử dụng các thiết bị điện tử nhiều ít ra sao, mục đích cuối cùng là tạo ra những học sinh năng động. “Quan niệm về giải quyết vấn đề mới là kỹ năng cơ bản nhất của thế kỷ 21 thay vì mớ kiến thức chi tiết có thể trở nên lỗi thời ngay ngày mai”, ông nói và khẳng định, “các học sinh được giao nhiệm vụ, và với công nghệ, họ đang tự vạch ra phương cách giải quyết nhiệm vụ đó”.
Thu Hằng