Rời Debaltsevo

Thành phố nhỏ Svyatohirsk trong những tháng ngày chiến sự ở Ukraine vẫn còn dai dẳng, là nơi trú chân của nhiều người dân phải để lại tất cả sau lưng. Họ đến đây, sống qua ngày bằng những lời cầu nguyện và tấm lòng từ thiện xung quanh.

Tổ hợp hang động và tu viện Svyatohirsk bên dòng sông Seversky Donets


Một buổi sáng, anh Andrei Gonstov dẫn hai con trai đến nhà thờ, nơi bài thánh ca về thế giới khác của các thầy tu vang lên trên những mái vòm hình củ hành rồi vượt qua các mỏm đá, men theo những khe hẹp của tổ hợp hang động tại tu viện Svyatohirsk, một công trình được tạo ra khoảng hơn 500 năm trước để làm nơi tránh xa những cám dỗ và ghê rợn của cuộc đời. Như rất nhiều người khác đang có mặt ở thành phố này, gia đình anh Gonstov đã phải di tản vì cuộc xung đột chưa nhìn thấy hồi kết.

“Sáng hôm nay, chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình. Chúng tôi đến nhà thờ sớm để được ban phúc. Dù không theo đạo, nhưng giờ đây chúng tôi cầu nguyện nhiều hơn”, người đàn ông có đôi mắt màu xanh nước biển, từng làm nghề thợ mỏ nói.

Khung cảnh thanh bình bên dòng sông Seversky Donets những ngày này hoàn toàn đối lập với những giờ khắc kinh hoàng anh Gonstov đã trải qua hơn hai tháng trước khi gia đình anh phải trốn trong căn hầm trú ẩn rung lắc dưới lòng đất khi bom đạn cày xới bên trên ở ngôi làng Chornukhinye nằm ngay tiền tuyến, cách thành phố chiến lược Debaltsevo một quãng không xa.

Như nhiều người khác trong tổng số ước tính khoảng 1,2 triệu người ở Ukraine phải rời bỏ nhà cửa vì chiến sự, cuộc sống của anh Gonstov giờ đây rất khó khăn: không tiền, không công việc, không danh phận, không nhà cửa. Trong khi đó, Đông Ukraine vẫn đang chìm trong một lệnh ngừng bắn quá đỗi mong manh, còn cả hai phía vẫn tuyên bố đối phương đang xây dựng lực lượng chiến đấu.

Lao đao cùng chiến sự

Trước khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 được kí kết ngày 12/2, cuộc sống của gia đình anh Gonstov cũng không hề dễ dàng. “Để sống sót, chúng tôi chạy nhanh đến cửa hàng để mua ít thực phẩm rồi lại chạy về nhà, mặc những chiếc áo khoác dày nhất và chui vào hầm để đề phòng bất trắc. Làng của chúng tôi nằm bên đường, vì vậy để đến Debaltsevo, lực lượng dân quân phải đi qua chỗ chúng tôi”, anh nói.

Ngày 5/2 tình hình bắt đầu xấu đi. Một người hàng xóm xấu số ra đi ở tuổi 50 vì trúng mảnh đạn. Tất cả những ngôi nhà quanh đó đều dính đạn trực tiếp. Còn nhà của anh Gonstov, gọi là may mắn hơn khi chỉ bị thủng lỗ chỗ và vỡ vụn hết tất cả các cửa sổ.

Người dân địa phương sửa chữa căn nhà bị đổ nát trong xung đột tại Donetsk ngày 6/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Giữa lúc khói lửa tạm ngưng vào ngày hôm sau, anh Gonstov quyết định đưa hai con trai Vladimir 16 tuổi và Maksim 12 tuổi đến một căn hầm sâu hơn. Cậu con trai lớn thuật lại: “Chúng cháu có khoảng 15 phút để thu gom đồ đạc và chạy đến hầm tránh bom… rồi ở đó khoảng 30 phút. Không khí ẩm ướt và nóng, và tất cả những đứa bé kêu khóc. Chúng cháu có thể nghe thấy tiếng nổ bên ngoài… Rồi một đoàn hộ tống đến đón…”.

Đó cũng là thời điểm gia đình phải sống cảnh li tán. Theo lời kể của Vladimir, mẹ cậu vì không kịp đến điểm tập kết nên ở lại chăm sóc bà ngoại và giữ cho ngôi nhà không bị trộm cướp. Anh Gonstov thì cho hay, tình hình ở nhà rất khó khăn, lương thực khan hiếm, không ai được trả lương, và hơn hai tháng qua anh chỉ nói chuyện với vợ được đôi ba lần.

Ngày 7/2, đoàn người lên đường đến tu viện ở thành phố Svyatohirsk. Anh Gonstov và hai con ở trong một căn phòng diện tích 12m2 trên tầng 6 của một ngôi nhà từ thời Xô viết, sống nhờ hàng cứu trợ. Trước đây, công việc thợ mỏ mang lại thu nhập 500 USD/tháng. Nhưng lần cuối cùng anh Gonstov được nhận lương đã là từ tháng 5 năm ngoái.

Chiến sự tiếp diễn khiến nhiều người làm việc cho nhà nước dù không thể đi làm vẫn được nhận một khoản nhỏ. Nhưng anh Gonstov, dẫu đang sống ở vùng lãnh thổ do phe chính phủ kiểm soát, lại không được gì vì khu mỏ nơi anh làm việc nằm trong vùng kiểm soát của phe đòi độc lập.

Như càng trớ trêu thêm, theo chính phủ ở Kiev, anh cũng không thuộc diện người dân phải di tản vì chiến tranh, do trên giấy tờ, ngôi làng của anh vẫn thuộc quản lý của chính phủ, không nằm trong danh sách khu vực do phe đòi độc lập kiểm soát. Vậy là cả khoản tiền 34 USD hàng tháng anh cũng không được nhận. “Chẳng nhiều nhặn gì nhưng ít ra nó cũng là thứ gì đó”, Gonstov ngao ngán nói.


Anh Minh (Theo aljazeera)

Người đi tìm tử thần ở Đông Ukraine
Người đi tìm tử thần ở Đông Ukraine

Tiến vào vùng lãnh thổ do lực lượng nổi dậy kiểm soát, họ tìm kiếm và mang thi thể của hàng trăm binh sĩ Ukraine trở về nhà. Họ là đội quân Tulip Đen ở vùng chiến sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN