Quanh chuyện thừa và thiếu thực phẩm

Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), 30% thức ăn bị con người vứt vào thùng rác, thứ thì ăn thừa, thứ thì bị hỏng ngay khi còn trong tủ lạnh. Trong khi đó để sản xuất chúng, loài người cần sử dụng những nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên rất lớn, trong đó có nhiều nguồn khó mà bù đắp được.

 

Hiện có 2 tỷ người trên thế giới bị suy dinh dưỡng. Ảnh: Internet

LHQ cho rằng để bảo tồn thiên nhiên, con người cần phải tuân thủ nguyên tắc “Nghĩ - Ăn - Tiết kiệm”. Trước khi lấy thức ăn vào đĩa cho mình, mỗi người cần tự nghĩ kỹ xem liệu họ có thể ăn hết chỗ đó hay không.


Hiện nay, các loại thực phẩm được sản xuất quá thừa mứa và người ta mua nhiều hơn những gì họ cần. Chuyên gia dinh dưỡng Irina Diricheva nhận định: “Thực tế là con người không thể tìm được sự cân bằng trong thực phẩm và mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Những kỹ xảo bán hàng ngày một phát triển buộc người mua không chỉ mua nhiều hơn những gì họ có thể ăn hết mà còn buộc họ mua những thứ họ không định mua. Rõ ràng là điều này có lợi cho đối tượng nào đó”.


Số liệu của LHQ cho thấy, để sản xuất 1 lít sữa đóng gói cần tiêu tốn 1.000 lít nước tự nhiên. Để sản xuất một chiếc bánh hamburger cần 16.000 lít nước. Nếu chỉ sản xuất đủ số lượng thực phẩm đúng theo nhu cầu của khách hàng, loài người sẽ tiết kiệm được một số lượng tài nguyên sinh vật khổng lồ. Dù vậy, việc hạn chế sản xuất thực phẩm quá mức có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt và hậu quả là giá thực phẩm gia tăng.


Ngày nay, ở các nước phát triển, tuy người dân gần như không phải lo nghĩ về vấn đề thực phẩm nhưng lại phát sinh một vấn đề khác, đó là nạn béo phì. Theo Ủy ban Lương thực LHQ, hiện có 2 tỷ người trên thế giới bị suy dinh dưỡng, trong khi có gần 1,5 tỷ người thừa cân. Như vậy, nếu ở nơi nào đó trên thế giới có người chết vì đói thì ở những vùng khác, thức ăn thừa lại bị tống ra bãi rác. Vì nạn béo phì, trẻ em đã bắt đầu mắc những căn bệnh mà trước đây chỉ có người lớn mắc phải. Điều này có thể tránh khỏi nếu như trẻ được giáo dục từ nhỏ văn hóa ăn uống và ý thức tiết kiệm thực phẩm.


Chuyên gia Diricheva khẳng định: “Công tác giáo dục phải ở cấp độ chính sách nhà nước và chúng ta cần phải phát triển nhận thức đối với thức ăn. Lấy ví dụ cụ thể trong mỗi gia đình, một người chỉ cần 1/4 số thực phẩm mà người đó đã ăn và 3/4 còn lại sẽ chỉ dùng để nuôi các bác sĩ của họ”.

LHQ đã công nhận Mông Cổ là đất nước mẫu mực nhất trên thế giới về tiết kiệm thực phẩm. Những nước lãng phí thực phẩm nhất trên thế giới là Mỹ, Canađa, Anh và một số quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả ở phần phía nam lục địa châu Phi, nơi có tỷ lệ người đói ăn lớn nhất thế giới, tình trạng lãng phí thực phẩm vẫn lên đến 10 kg/người/năm.

 

Anh Quân

Lãng phí thực phẩm - chuyện nghiêm trọng hơn ta tưởng
Lãng phí thực phẩm - chuyện nghiêm trọng hơn ta tưởng

Tại các quốc gia thuộc khu vực châu Âu điển hình như Anh và New Zealand, hàng ngày người dân mua về nhà lượng thực phẩm nhiều gấp đôi, gấp ba nhu cầu thực sự. Số thức ăn hết hạn bị vứt đi sau một thời gian không sử dụng cũng tiêu tốn của mỗi gia đình từ 1.300-2.200USD/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN