Trong một kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Cổ sinh vật học số ra ngày 10/9, nhà khoa học David Hone thuộc trường Đại học Queen Mary (Anh) cho biết loài thằn lằn bay có tên khoa học là Cryodrakon Boreas này sống trong Kỷ Phấn trắng, cùng thời kỳ với khủng long T-rex, Triceratops và nhiều loài khủng long khác.
Với sải cánh dài 10 mét và nặng 250 kg, Cryodrakon Boreas thậm chí còn lớn hơn Quetzalcoatlus - một loài thằn lằn khác vốn được xem là động vật bay lớn nhất mọi thời đại.
Ông Hone cho biết: "Đây là một khám phá tuyệt vời. Thật tuyệt khi chúng ta có thể phân định rõ sự khác nhau giữa Cryodrakon Boreas và Quetzalcoatlus".
Hóa thạch của Cryodrakon Boreas lần đầu tiên được phát hiện cách đây hơn 30 năm tại Alberta (Canada). Tuy nhiên, vào thời điểm đó các nhà khoa học đã phân loại sai về loài này.
Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Anh đã tìm hiểu rất kỹ về các mẫu hóa thạch của một Cryodrakon Boreas chưa trưởng thành và hóa thạch xương cổ khổng lồ còn nguyên vẹn của một Cryodrakon Boreas đã trưởng thành, để xác nhận sự tồn tại của loài động vật chưa từng được biết đến này.
Giống như các loài bò sát có cánh khác sống cùng thời kỳ (khoảng 77 triệu năm trước), Cryodrakon Boreas là động vật ăn thịt. Chúng có thể ăn cả thằn lằn, động vật có vú nhỏ và thậm chí cả khủng long con.
Mặc dù loài vật cổ đại này có khả năng vượt qua các vùng nước lớn, nhưng vị trí các hóa thạch được tìm thấy cũng như các đặc điểm cơ bản của Cryodrakon Boreas lại cho thấy chúng chỉ sống trên đất liền.
Cho đến nay, khoa học thế giới đã biết đến trên 100 loài thằn lằn bay. Sự tồn tại của chúng được ghi nhận trên quy mô lớn và phân bố rộng khắp tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Á, châu Phi và châu Âu.