Các nhà khoa học ước tính hóa thạch trứng khủng long mới tìm thấy chỉ nặng khoảng 10g vào thời điểm hơn 100 triệu năm trước.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy hóa thạch này trong địa tầng có niên đại từ kỷ Creta sớm (Phấn trắng sớm) ở Tamba, tỉnh Hyogo.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tsukuba và Bảo tàng Hoạt động thiên nhiên và con người tỉnh Hyogo, cùng các nhà nghiên cứu khác, đã phân tích mẫu hóa thạch và cho rằng đây có thể là trứng của loài khủng long ăn thịt cỡ nhỏ (non-avian small theropod).
Tới nay, so với những loài khủng long cỡ lớn, giới khoa học tìm được rất ít hóa thạch xương của những loài khủng long nhỏ nên các thành viên đội nghiên cứu hy vọng phát hiện mới sẽ mở ra cơ hội tìm hiểu thêm thông tin về tập tính sinh sản và làm tổ của loài này.
Từ năm 2015-2019, nhóm nghiên cứu đã khảo sát địa tầng có niên đại khoảng 110 triệu năm trước và tìm thấy 4 quả trứng hóa thạch cùng hơn 1.300 mảnh vỡ vỏ trứng. Các nhà nghiên cứu xác nhận những mẫu hóa thạch này thuộc 4 loài khác nhau, đồng thời tin rằng phát hiện mới chỉ ra những loài khủng long nhỏ khác nhau có thể cùng làm tổ ở một khu vực.
Vùng Hyogo được cho là khu vực có nhiều hóa thạch trứng khủng long kỷ Creta sớm nhất trên thế giới.
Giới khoa học đã tìm thấy hóa thạch trứng khủng long ở nhiều nơi trên thế giới, từ Tây Ban Nha đến Mông Cổ, nhưng hầu hết đều có độ dài từ 5cm đến 7cm và nặng khoảng 30g.