Công trình tưởng niệm Nữ du kích tại thành phố Venice. Ảnh: Quang Thanh-P/v TTXVN tại Italy |
Đến với Venice trong những ngày cuối tháng 4, khi cả đất nước Italy chào mừng kỷ niệm 71 năm ngày chiến thắng Phát xít (25/4/1945), chúng tôi như hòa chung tâm thế ngày hội chiến thắng của cả hai dân tộc Việt Nam và Italy.
Các nhân chứng sống, là thành viên của Hiệp hội Quốc gia những người kháng chiến Italy, đã đưa chúng tôi đến với những chứng tích lịch sử của thành phố Venice. Ngay bên bờ Kênh Lớn của Venice, trên con đường mang tên "Vườn Bờ sông", cách không xa quảng trường San Marco nổi tiếng, có một tượng đài khiêm tốn tưởng niệm dưới hình hài một người con gái đã hy sinh vì lý tưởng, vì tự do của đất nước hình chiếc ủng.
Khiêm tốn nằm bên mép sóng dập dềnh, đó là bức tượng mô tả một người con gái với mái tóc dài, xoải nằm giữa những hàng cột bê tông có độ cao thấp khác nhau.
Theo những du kích lão thành kể lại, bức tượng đã tái hiện chính xác hình ảnh di thể của một nữ du kích bị phát xít Đức sát hại dạt vào ven bờ Kênh Lớn từ phía biển trong thời kỳ chiến tranh. "La Donna Partigiana" - Người nữ du kích, là tên của công trình kỷ niệm này.
Công trình đã được nhà điêu khắc Augusto Murer (1922-1985) hoàn thành vào năm 1961 với chất liệu bằng đồng theo bản thiết kế tổng thể của kiến trúc sư Carlo Scarpa. "Một cái tên Vô danh nhưng lại là biểu tượng của phong trào kháng chiến Italy trong chiến tranh thế giới thứ 2 nói chung cũng như sự hy sinh của những người phụ nữ Italy tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít Đức nói riêng. Nhưng có lẽ, chính sự Vô danh mới là Bất tử", bà Rosanna Zannon, thành viên của Hội Hữu nghị Italy - Việt Nam vùng Veneto nói với chúng tôi.
Là khách mời danh dự của Hội Hữu nghị Italy - Việt Nam trong những sự kiện kỷ niệm tháng 4 lịch sử đối với cả hai nước Việt Nam và Italy, trong lễ đặt vòng hoa tại tượng đài Nữ du kích tại thành phố Venice ngày 29/4, bà Tôn Nữ Thị Ninh, phó Chủ tịch Ủy ban vì Hòa Bình, đã rất xúc động chia sẻ cũng những người đồng chí Italy "Cũng như đất nước Italy, Việt Nam có nhiều tấm gương phụ nữ hy sinh trong chiến tranh thống nhất và vệ quốc.
Hơn thế nữa, thân phận và vai trò những người phụ nữ sau những cuộc chiến cũng còn nhiều điều đáng nói. Thấm thía những nỗi đau, sự hy sinh của những người phụ nữ qua các giai đoạn lịch sử, chúng ta cần có những chính sách hiệu quả để hiện thực hóa các quyền của người phụ nữ đã được công nhận như quyền được đào tạo, được tham chính, được tham gia các hoạt động xã hội ...".
Thầm lặng giữa những con sóng bạc dội vào bờ, bức tượng Nữ du kích dường như khó thấy đối với nhiều người qua lại. Thế nhưng, vào những ngày tháng 4 này, bên sắc đỏ của những bông hồng được đặt trang trọng bên cạnh tượng đài, sâu trong trái tim những người đồng chí kháng chiến nói riêng và những người yêu chuộng hòa bình nói chung, hình ảnh Nữ du kích vẫn in sâu cùng giai điệu rộn rã của bài ca cách mạng truyền thống "Bella Ciao", bài hát của những kháng chiến quân Italy trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 "Nếu tôi chết như một người du kích, hãy chôn tôi dưới bóng một bông hoa; Nhưng người qua lại sẽ dừng chân và nói "Một bông hoa tuyệt đẹp".
Đó là bông hoa của người du kích, đã hy sinh cho lý tưởng tự do.