Italy và cuộc chiến tuyệt vọng chống những kẻ trốn việc

Hình ảnh camera an ninh quay được về người cảnh sát khu vực Alberto Muraglia mặc quần lót mang thẻ từ của mình đến quẹt ở Tòa thị chính Sanremo, miền Tây Bắc Italy, sau đó đi về nhà ngủ tiếp đã khiến ông ta trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ.

Muraglia đã trở thành biểu tượng của một tệ nạn trầm kha đã khiến cho ngành hành chính công của Italy trở nên không hiệu quả, tốn kém và là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Viên cảnh sát khu vực Alberto Muraglia bị camera ghi lại khi quẹt thẻ ghi danh trong tình trạng... mặc quần lót. Nguồn: Cảnh sát tài chính Sanremo

Đối với các nhân viên hành chính, việc quẹt thẻ từ ở máy ghi danh tại các văn phòng là một hình thức quen thuộc mang tính hành chính để khẳng định trên máy móc rằng họ có đi làm và được hưởng lương cũng như thưởng cuối năm. Nhưng máy móc vẫn chỉ là máy móc, và không ít nhân viên văn phòng ở Italy, thậm chí có thể nói là hàng nghìn người như thế, có nhiều "ưu tiên khác" hơn là công việc, chẳng hạn như đi mua sắm, đi chơi, đi tập gym, đi uống cà phê.... và họ coi việc gian dối như nhân vật Muraglia nói trên là hoàn toàn bình thường.

Việc đó được thực hiện một cách dễ dàng nhờ sự bao che của đồng nghiệp cũng như do sự quản lý lỏng lẻo của ngành hành chính công. Các thống kê cho thấy, năm 2013, có hơn 6.300 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo vì trốn việc với lý do "ốm" hoặc "quẹt thẻ láo" như Muraglia, trong đó có tới 3.700 trường hợp xảy ra ở các trường học và 1.300 ở các cơ quan hành chính công.

Vụ việc ở Sanremo chỉ là một vụ bê bối trong hàng trăm vụ tương tự xảy ra trong thời gian qua. Tháng 10 năm ngoái, Viện công tố Palermo đã vào cuộc sau khi điều tra được 131 lần quẹt thẻ gian trong vòng 45 ngày để hàng loạt nhân viên hành chính rảnh chân đi chơi hoặc đi làm thêm một công việc khác nữa.

Nhưng mãi đến bây giờ, khi vụ scandal ở Sanremo bùng nổ vào cuối 2015, khiến 35 nhân viên công chức của chính quyền thành phố bị bắt vì quẹt thẻ nhưng không đi làm, cũng như việc hàng nghìn nhân viên của công ti giao thông đô thị Rome (ATAC), công ti giao thông công cộng lớn nhất nước Ý, không bị trừng phạt dù nghỉ làm liên tục với lí do "ốm", người ta mới tuyên bố sẽ thực hiện những biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với tình trạng này.

Thủ tướng Matteo Renzi, giữa muôn vàn công việc cho đất nước, đã khẳng định rằng, chính phủ sẽ có biện pháp kiên quyết và mạnh tay nhằm ngăn chặn tình trạng mà theo ông là đã làm suy yếu hệ thống hành chính công và làm xói mòn niềm tin của dân chúng vào các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng hành chính công Marianna Madia cũng tuyên bố rằng, các bằng chứng về sự gian dối ghi được trên các camera an ninh là đủ để sa thải các nhân viên trốn làm trong vòng 48 giờ, kể từ khi bị phát hiện gian trá. Nhân viên đó sẽ bị đưa ra tòa, sẽ bị tước hết các quyền về lương bổng cũng như chỗ làm, và trở thành những kẻ thất nghiệp.

Tuy nhiên, báo chí Italy cho rằng, "chiến dịch 48 giờ" đầy tham vọng của chính phủ không dễ thực hiện vì hàng loạt câu hỏi. Chẳng hạn, làm thế nào để tính được mốc 48 giờ, kể từ khi hành vi gian trá được thực hiện hay bị phát hiện?

Và nữa, điều quan trọng nhất: Các nhân viên nhà nước rất ít bị xử lý, bởi các nghiệp đoàn lao động, một quyền lực thực sự ở Italy, đã luôn đứng về phía các công chức trong trường hợp này. CISL, một trong ba nghiệp đoàn lớn nhất Italy khẳng định rằng, họ ủng hộ chống lại gian lận trong hành chính công, nhưng "sa thải một công chức trong vòng 48 giờ đồng nghĩa với việc không cho người đó quyền bào chữa".

Đưa ra vấn đề "quyền bào chữa" lại đồng nghĩa với những quyết định, phiên tòa mất rất nhiều thời gian, và cuối cùng, đi một con đường vòng, khi hầu hết các trường hợp, tòa cho rằng cơ quan nhà nước chưa đủ căn cứ để sa thải nhân viên. Đó là lý do tại sao trong năm 2013 gần 7.000 trường hợp bị phát hiện và kỷ luật thì chỉ có hơn 200 người bị sa thải (chiếm 2,8%) và số vụ trốn việc không giảm.

"Ốm" và quẹt thẻ gian dối để khỏi đi làm là hai trong số những cách "hiệu quả" để khiến cho ngành hành chính công của taly trở thành một ví dụ điển hình cho sự cồng kềnh, quan liêu và kém hiệu quả của hệ thống hành chính Italy. Đầu năm ngoái, cảnh sát đô thành Rome, những người trực thuộc chính quyền thủ đô chứ không nằm trong lực lượng vũ trang, đã gây sốc khi có tới 83% số nhân viên công vụ được điều động đảm bảo an ninh vào đêm Giao thừa 2015 không có mặt ở nơi làm nhiệm vụ, với lý do ốm!

Lý do này trở thành lố bịch, bởi chỉ 2,3 ngày sau đó, số người này đã trở lại làm việc bình thường, chẳng có dấu hiệu gì của việc ốm đau. Một nghiên cứu cho thấy, trong năm 2013, tỷ lệ công chức viên chức làm cho các cơ quan nhà nước và địa phương của Italy "ốm vặt" chiếm 25,9%, nghĩa là cứ 4 người thì có 1 người cáo ốm nghỉ việc và sáng hôm sau đã khỏi hẳn để đi làm!

Palermo, thủ phủ đảo Sicily, có lẽ là nơi dễ ốm đau nhất nước hình chiếc ủng. Thống kê cho thấy, tỷ lệ xin nghỉ ốm ít nhất một ngày lên tới 42,6% trong cơ quan hành chính công và 27,8% trong khu vực tư nhân. Ngoài ra, người ta cũng chỉ ra rằng, chủ nhật là ngày dễ khiến các nhân viên bàn giấy đổ gục vì ốm nhất.

Năm 2012, 30% số đơn xin nghỉ ốm trình cho các sếp thông báo về việc bị ốm vào hôm chủ nhật và do đó, không thể đi làm vào ngày thứ hai. Điều gì đã khiến họ đồng loạt ốm vào chủ nhật thì chỉ có Chúa mới biết.

ATAC, một tập đoàn giao thông lớn đang oằn mình trước khoản nợ gần 1 tỷ euro, cho đến nay mới chỉ giành được hai thắng lợi quá nhỏ nhoi trong cuộc chiến mà họ bất lực: Vào tháng 4/2015, họ đã sa thải được 4 lái xe buýt đã nghỉ việc tổng cộng tới 900 ngày trong vòng 2 năm qua, trong đó có 600 ngày với lý do "ốm", và tháng 11/2015, họ cũng đuổi việc 60 nhân viên sau khi phát hiện họ được đưa vào theo dạng "con ông cháu cha".

Một thống kê của chính quyền Rome đưa ra năm ngoái cho thấy, trong một ngày, có tới hơn 1.000 trong tổng số 11.000 nhân viên của ATAC không đi làm, một nửa trong số đó với lý do ốm. Tình hình chỉ thay đổi chút ít thay đổi, với số người ốm giảm hẳn, sau khi ATAC và các nghiệp đoàn lao động ký một thỏa thuận liên quan đến giờ làm và lương bổng. Hóa ra, ốm cũng là một chiến thuật hiệu quả nhằm đòi quyền lợi.

Nhật báo La Repubblica viết rằng, cuộc chiến này của Ý còn rất dài, chông gai, và có lẽ... không thể chiến thắng được. "Chính phủ trung tả đã lên tiếng sẽ dùng biện pháp mạnh chống những kẻ trốn việc. Đúng là đã quá xa cái thời mà cánh tả gợi ý người lao động nên giả vờ ốm để chống lại sự áp bức bóc lột của chủ lao động. Đó là những năm 1970 và chưa hề có camera an ninh để ghi lại", tờ báo kết luận.

Trương Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Italy)
Italy được mùa "du lịch hôn lễ"
Italy được mùa "du lịch hôn lễ"

Trong thời gian gần đây, giới nhà giàu nước ngoài, từ các tài phiệt cho đến các ngôi sao trong lĩnh vực giải trí của thế giới, đã chọn Italy để tổ chức hôn lễ bởi không chỉ có nhiều di tích, di sản đẹp mà nơi đây còn nổi tiếng về thời trang, sự lãng mạn và cuộc sống ngọt ngào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN