Một con số gây sốc thực sự, nhưng đấy là sự thật về những gì xảy ra ở Italy. Số liệu của Cơ quan thống kê nhà nước Italy (ISTAT) công bố cuối năm 2014 cho thấy, trung bình mỗi năm, Italy chỉ dành khoảng 1% tổng số tiền thu được từ các khoản thuế môi trường cho việc bảo vệ môi trường. Người Italy phải trả rất nhiều loại thuế môi trường. |
Tính số liệu gần nhất vào năm 2012, người nộp thuế và các doanh nghiệp Italy đã trả 47,2 tỉ euro cho các sở thuế ở địa phương và trung ương, nhưng chỉ có 463 triệu euro được chính phủ tái đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường hoặc các nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc xử lí chất thải, phát triển công nghệ xanh và chống lại những tác động từ sự nóng lên của Trái Đất. Vậy hơn 46 tỉ euro còn lại đi đâu?
Theo ông Giuseppe Bortolucci, Chủ tịch của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nghề thủ công (CGIA), cho rằng, số tiền này được chính phủ Italy dùng để bù đắp thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của nước này. "Khi thiên tai xảy ra, kéo theo những hậu quả khôn lường về người và tài sản, người ta luôn nói rằng, chính phủ không có nguồn vốn để thực hiện việc bảo vệ các công trình hoặc xây mới các công trình nhằm bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế, không phải như vậy", Bortolucci được trích dẫn như vậy trong một điều tra của CGIA từng gây chấn động dư luận Italy năm ngoái. "Trong vòng 20 năm qua, người Italy đã phải nộp gần 850 tỉ euro tiền thuế môi trường, nhưng chỉ có 7,3 tỉ được đầu tư cho môi trường".
Điều tra này được CGIA đưa ra sau khi Genoa, thành phố cảng lớn nhất ở vùng Tây Bắc Italy chìm trong biển nước sau một đợt mưa bão kéo dài nhiều ngày, khiến hai người chết và thiệt hại lên tới 1 tỉ euro. Đó là lần thứ ba trong vòng hai năm qua, Genoa bị cô lập với thế giới vì bão lũ. Trong khi người dân đổ lỗi cho chính quyền địa phương đã quá chậm chạp trong việc phòng chống lụt bão và tỏ ra bất lực trong cách khắc phục sự cố, thì những người đứng đầu vùng Liguria, với Genoa là thủ phủ, cho rằng, chính phủ đã bỏ rơi họ, khi cung cấp một khoản ngân sách quá ít ỏi cho việc bảo vệ môi trường. Câu trả lời từ Rome rất "truyền thống": Chính phủ mong Liguria sử dụng tốt hơn nguồn thuế môi trường. Trên thực tế, Liguria hay các vùng khác không sai khi đòi hỏi thêm vốn cho việc bảo vệ môi trường, vốn không nhiều, nhưng chính phủ cũng rất khó có sự lựa chọn nào khác ngoài từ chối, khi Italy, đang chìm trong suy thoái, cần rất nhiều tiền để trả các khoản nợ công đã lên trên mức 130% GDP.
Người Italy phải trả bao nhiêu loại thuế môi trường? Rất nhiều, và được chia thành ba hạng mục khác nhau, thuế năng lượng (bao gồm nhiều loại, trong đó có thuế thải carbon, thuế điện, thuế nhiên liệu hóa lỏng...), thuế giao thông (trong đó có thuế đánh trên bảo hiểm và đăng kí xe mới, thuế ô tô trên doanh nghiệp, thuế ô tô trên cá nhân) và thuế cho các chất thải độc hại (trong đó có thuế bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, thuế xử lí rác). Trong rất nhiều tiểu mục thuế này, loại mới nhất được áp dụng là thuế liên quan đến lượng khí thải carbon, được chính phủ của Thủ tướng Mario Monti đưa ra vào năm 2012, theo đề xuất của Hiệp hội những người bảo vệ môi trường Italy (Legambiente). Đây là thuế nhằm đánh vào các chủ phương tiện vận tải nặng có trọng tải trên 7,5 tấn, vốn lưu hành rất nhiều với số lượng cả trăm nghìn chiếc trên các con đường của Italy.
Ngoài đề xuất trên, Legambiente còn đưa ra một loạt các sáng kiến khác liên quan đến các khoản thuế môi trường khác, nhằm giúp chính phủ có thể thu thêm tổng cộng 5 tỉ euro mỗi năm, với hy vọng có thể dùng số tiền trên đầu tư cho việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Chính phủ đang nghiên cứu các đề xuất này. Nhưng có lẽ, Legambiente không thể hình dung được việc, người đóng thuế Italy, vốn đã bị đè nặng bởi rất nhiều khoản thuế khác nữa, không hề hào hứng với những đề xuất ấy, nên chắc chắn sẽ phản đối, và chính phủ Italy chưa chắc đã dùng số tiền ấy vào mục đích như những nhà bảo vệ môi trường mong đợi.
Năm 2015, người ta lo ngại rằng, sẽ có thêm nhiều thảm họa Genoa mới...
Trương Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Italy)