Nhìn dòng người đổ tới nhà thờ St. Luke ở phía nam Luân Đôn, đẩy những xe mua hàng trống không hay khệ nệ xách những chiếc túi nhựa, có thể thấy rõ ràng họ không tới đây để cầu nguyện. Bởi đều đặn hai lần một tuần, nhà thờ St. Luke lại biến thành một ngân hàng thực phẩm, phục vụ trực tiếp thể chất chứ không phải tinh thần cho những người nghèo đang tăng đến mức báo động tại đảo quốc sương mù.
Một tình nguyện viên đang sắp xếp thực phẩm tại ngân hàng cứu tế Hammersmith & Fulham ở Luân Đôn. |
Cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy nhiều gia đình Anh đến bờ vực, trong khi các nhà hoạt động xã hội cảnh báo, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn do chính phủ đã lên kế hoạch cắt giảm trợ cấp xã hội trong những tháng tới.
“Hiện tại chúng tôi phát trên nửa tấn thực phẩm mỗi tuần, ngay tại đây, ở Norwood này. Còn trước đó, vào mùa Giáng sinh, chúng tôi phát không ba tấn chỉ trong ba ngày”, bà Elizabeth Maytom, người điều hành ngân hàng thực phẩm Norwood và Brixton tại nhà thờ St. Luke cho biết.
Với những hàng kệ đầy chật các loại xúp, đậu, sữa, mì - hầu hết là do giáo dân ủng hộ, St. Luke là một trong 300 ngân hàng cứu tế hoạt động tại Anh dưới sự điều hành của Quỹ từ thiện Cơ đốc giáo Trussell Trust. Đáng nói là hơn 100 trong số này chỉ mới được khai trương trong năm ngoái, và đã trợ giúp cho trên 250.000 người. “Mọi người có thể chỉ được một bữa một ngày, nhưng không chỉ là bánh mì, họ còn có cả rau, hoa quả để bữa ăn đầy đủ hơn’, bà Maytom nói.
Ai cũng biết Anh là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới, nhưng việc bùng nổ các ngân hàng cứu tế như ở St. Luke đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại tại nền kinh tế hàng đầu châu Âu này: Ngày càng nhiều người dân xứ sương mù phải vật lộn để cân bằng nguồn thu nhập ít ỏi trong bối cảnh nhiều chi phí thực phẩm, xăng dầu, thuê nhà đều tăng chóng mặt.
Theo số liệu thống kê chính thức, 13 triệu người Anh, tương đương 21% dân số, đang sống dưới ngưỡng nghèo, vốn được định nghĩa là có thu nhập bằng 60% thu nhập trung bình nước Anh. Nhiều tổ chức từ thiện lo ngại, việc chính phủ lên kế hoạch chấm dứt truyền thống tăng thanh toán phúc lợi mỗi năm để bù vào lạm phát, sẽ dẫn đến hệ quả là số người nghèo càng tăng.
Mới đây, chính phủ Anh đã đưa ra đề xuất gây nhiều tranh cãi là chỉ tăng thanh toán phúc lợi trẻ em và thất nghiệp thêm 1%/năm cho đến năm 2016, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ lạm phát hiện tại là 2,7%/năm. Động thái này là một phần trong chương trình chấn chỉnh lại hệ thống phúc lợi xã hội của chính phủ, nhằm tiết kiệm tiền và bảo đảm rằng mọi người “tốt hơn là làm việc thay vì ở nhà để hưởng phúc lợi”.
Các bộ trưởng Anh lý giải rằng kế hoạch của họ sẽ mang lại lợi ích là tăng nguồn cho quỹ lương, vốn đã dậm chân tại chỗ kể từ khi khủng hoảng tài chính nổ ra. Tuy vậy, tổng giám muc vùng Canterbury, Justin Welby, đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách này và cảnh báo nó sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới những gia đình có trẻ em.
Tại St. Luke, một phụ nữ với tách trà nóng trên tay, đang kiên nhẫn chờ nhận lượng thực phẩm ở mức tối thiểu cho ba ngày tại một ngân hàng cứu tế. Sau khi trả hết các hóa đơn hàng tuần, bà chẳng còn lại gì cho các miệng ăn trong nhà cho đến khi nhận được khoản trợ cấp phúc lợi tiếp theo. “Nếu không có nơi này, tôi không còn gì ăn cho các con, bọn trẻ sẽ phải vác bụng đói đi học trong 3 ngày”.
Các khoản phúc lợi xã hội tại Anh vốn có truyền thống phải tăng tỉ lệ thuận với lạm phát, và nếu không có bất cứ thay đổi gì thì lạm phát sẽ lên tới 2,2% trong tháng 4 này. Khoản chi cho phúc lợi xã hội hiện chiếm gần 2 tỉ bảng (2,9 tỉ USD) trong kho bạc vốn đã eo hẹp do suy thoái của Anh. Và trong lúc phúc lợi xã hội ì ạch theo sau lạm phát như vậy, những nhà thờ như St. Luke không chỉ là nơi nâng đỡ tinh thần cho các con chiên, mà còn bảo đảm an toàn cho cái dạ dày của họ.
Thu Hằng