Trên các con thuyền cũ kĩ, thậm chí là xuồng cao su, chúng đưa họ đến các đảo của Hy Lạp và rồi từ đó, họ bắt đầu một hành trình bằng đường bộ kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, tới các nước Bắc Âu, hy vọng sẽ đoàn tụ với gia đình, bạn bè, người thân của họ ở đó, trong cuộc sống mới.
Người di cư (hầu hết đến từ Syria) tại nhà ga tàu hỏa ở thị trấn Gevgelija, Macedonia ngày 22/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những người nhập cư vào châu Âu gọi đó là Saint Tropez của Thổ Nhĩ Kì. Biển xanh như pha lê và các bãi biển chạy dài suốt tầm mắt. Nhưng ở một góc ít ai để ý của bãi biển, dọc những triền đá và bãi cát, trong một công viên gần bến xe bus của Bodrum, hàng trăm người nhập cư đang kiên nhẫn chờ đợi trong im lặng để được đưa lên một con thuyền và từ đó họ tới đảo Kos của Hy Lạp cách đó chỉ vài hải lí. Rời Thổ Nhĩ Kì là bắt đầu một hành trình vượt biển để tới Hy Lạp, nước trong Liên minh châu Âu (EU) gần nhất, từ đó di chuyển tới Bắc Âu tìm cuộc sống mới. Họ là những người gốc Syria, Iran, Iraq, Afghanistan, có cả người già, phụ nữ và trẻ sơ sinh, và những gia đình với hai, ba thế hệ.
"Chúng tôi rời làng của mình vào tháng 3. Tôi, vợ tôi và ba con tôi", Ahmad, 57 tuổi, người Syria, nói. Ông là một trong số hàng trăm người đang chờ xuất phát ở Bodrum. "Hành trình của chúng tôi rất dài, qua biên giới ở Soruc và Kobane, khi chiến sự vẫn đang diễn ra. Sau đó, chúng tôi di chuyển đến Istanbul, mất gần một tuần, bằng xe bus và đi bộ. Chúng tôi đã phải ở trong một ngôi nhà bỏ hoang ở Fatih, một khu trung tâm gần ga tàu hỏa ở Istanbul. Ở đó, có rất nhiều gia đình như chúng tôi. Tất cả đều chạy trốn chiến tranh và loạn lạc".
Câu chuyện của Ahmad cũng không khác câu chuyện của hàng nghìn người Syria khác đã rời bỏ quê hương sang châu Âu với hy vọng kiếm tìm cuộc sống mới. Hàng trăm nghìn người đã từ Syria, qua Thổ Nhĩ Kì và rồi chi rất nhiều tiền để được lên những chiếc tàu, thuyền, bè, thậm chí xuồng cao su... tóm lại tất cả những gì có thể di chuyển được trên biển để tới các đảo gần nhất của quần đảo Dodecanese của Hy Lạp, nước EU gần nhất. Bodrum là một cảng gần đảo Kos nhất và việc đi lại từ đó tới hòn đảo du lịch thuộc Hy Lạp này rất nhanh chóng. Nhưng trong khi một công dân EU chỉ phải mất 17 euro một chiều cho chuyến phà chạy 20 phút sang Kos, thì những người như Ahmad phải chi ít nhất 1.000 USD cho các đường dây buôn người đang "phất" lên trông thấy nhờ việc "kinh doanh" làn sóng nhập cư.
Cách thức của bọn buôn người rất rõ ràng. Một khi chỉ còn cách bờ biển vài mét, người điều khiển thuyền chở người nhập cư rời bỏ chiếc thuyền và núp phía sau một chiếc xuồng cao su đang chờ sẵn, ra lệnh những người muốn tới châu Âu nhảy xuống biển và bơi vào bờ. Để có được số tiền cần thiết cho chuyến đi, rất nhiều người đã phải bán tất cả những gì có thể được, di chuyển hàng tháng trời giữa Istanbul và Ankara, kiếm bất cứ việc gì có thể làm ra tiền được để nuôi sống bản thân cũng như gia đình, từ đó lại đi tiếp. Ở Bodrum, trong khi chờ những người đàn ông của mình tới và nhập cùng họ sang Hy Lạp, nhiều phụ nữ và trẻ em thậm chí đã phải ăn xin để sống.
"Ở đây, chỉ còn tôi và Nadim, con trai lớn của tôi. Tiếc là chúng tôi không đủ tiền để đi cùng với nhau", Ahmad nói. "Vợ và hai con còn lại của tôi vẫn đang ở Istanbul và chờ tin của chúng tôi. Tôi muốn vượt qua các nước Balkan để rồi sau đó tới Đức hoặc Thụy Điển, làm việc tại đó và tiết kiệm từng xu một, sau đó gửi về cho vợ con để họ có tiền tới với tôi. Sẽ thật hạnh phúc, nếu chúng tôi được đoàn tụ sau vài tháng nữa". Sau địa ngục mà Ahmad và hàng vạn người Syria khác phải trải qua ở quê nhà, là những giấc mơ châu Âu. Hơn 1 triệu người Syria đã li tán vì chiến tranh và rất nhiều trong số họ muốn một cuộc sống khác, ở châu Âu. Chạy trốn chiến tranh, sau nhiều tháng vất vả, khó nhọc và thậm chí bệnh tật trong những hành trình nhiều tháng để tới bờ biển Thổ Nhĩ Kì, họ tin rằng, những giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Rồi một ngày tươi đẹp hơn sẽ tới. Nhưng hành trình phía trước vẫn còn rất dài...