Theo trang The Oddity Central (Anh), Tang Shangjun đã tham gia kỳ thi gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học nổi tiếng khắc nghiệt nhất thế giới , vào năm 2009. Shangjun đạt 372 điểm trung bình trên 750 điểm, quá thấp để vào được trường Đại học Thanh Hoa mà anh luôn mơ ước.
Không bỏ cuộc, Shangjun đã dành nhiều năm tiếp theo để học tập chăm chỉ hơn và tham gia kỳ thi gaokao. Đến năm 2016, điểm số của anh đã tăng lên 625 điểm, nhưng chỉ đủ để đỗ một số trường đại học ở tỉnh Quảng Tây quê hương anh, chưa đủ để đỗ vào chuyên ngành anh đã chọn tại Đại học Thanh Hoa.
Vì vậy, anh đã miệt mài ôn luyện với quyết tâm đỗ vào chuyên ngành mong muốn tại ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc.
Năm 2019, Shangjun đã đạt 649/750 điểm - số điểm cao nhất mà anh từng đạt được, đủ để đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, thậm chí là Thanh Hoa, nhưng vẫn không đỗ hai chuyên ngành mà anh lựa chọn là vật lý và hóa học.
Thật không may, trong những năm sau đó, kết quả thi gaokao của anh ngày càng tệ hơn. Một số người cho rằng do tuổi tác, trí nhớ của Shangjun không còn như trước. Trong khi những người khác cho rằng số điểm 649 là đỉnh cao của anh và Shangjun không có khả năng đạt điểm cao hơn.
Năm ngoái, Shangjun cuối cùng đã quyết định theo học chuyên ngành vật lý và hóa học của Đại học Sư phạm Trung Hoa, nhưng anh chỉ đạt 594 điểm trên tổng số 750 điểm, và những chuyên ngành đó đã có những thí sinh đạt điểm ít nhất là 608. Anh xếp thứ khoảng 6.000 trong số 460.000 thí sinh dự thi gaokao tại khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây.
Shangjun nói với China Daily rằng kỳ thi gaokao năm ngoái sẽ là kỳ thi cuối cùng của anh. Tuy nhiên, dường như đã vượt qua được nỗi thất vọng, năm nay Shangjun đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học lần thứ 16.
Tại kỳ thi năm nay, một lần nữa anhđã đạt hơn 600 điểm nhưng vẫn chưa thực hiện được ước mơ đỗ chuyên ngành vật lý hoặc hóa học tại trường đại học danh giá nhất Trung Quốc.
Giờ đây, khi đã 36 tuổi, Shangjun dần nhận ra rằng ngay cả khi cuối cùng được nhận vào học, cơ hội tìm được một công việc tốt sau khi tốt nghiệp của anh vẫn rất thấp, vì anh sẽ phải cạnh tranh với những thanh niên ở độ tuổi đầu 20.
Gám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 tại Trung Quốc cho biết: “Việc đỗ vào trường đại học danh giá hàng đầu đất nước là một thành công lớn, giúp mở ra một cuộc sống tốt đẹp, nhưng cuộc sống có nhiều cách để thành công. Việc cố chấp theo đuổi mục tiêu vượt quá khả năng của bản thân đôi khi sẽ dẫn đến thất bại”.
Trong 16 năm qua, Shangjun đã làm nhiều công việc vặt để nuôi sống bản thân và cha mẹ. Anh nhận ra rằng có lẽ đã đến lúc tập trung nhiều hơn vào việc tìm kiếm một công việc ổn định thay vì tập trung phần lớn năng lượng vào việc theo đuổi ước mơ đỗ vào trường đại học mơ ước.
Câu chuyện của Shangjun cũng giống với câu chuyện của một người đồng hương được mệnh danh là “vua gaokao” Liang Shi, 58 tuổi. Người đàn ông này đã nỗ lực để thi đỗ vào trường Đại học Tứ Xuyên suốt 26 năm, song cuối cùng đã phải từ bỏ.