Mỗi năm, có khoảng nửa triệu học sinh ở Hàn Quốc tham dự kỳ thi kéo dài 9 tiếng, hay còn gọi là “suneung”. Kỳ thi này nổi tiếng cạnh tranh gay gắt với quan niệm cho rằng nó sẽ đóng vai trò quan trọng để quyết định đầu vào trường đại học, nghề nghiệp và thậm chí cả hôn nhân sau này của một người. Do đó, các phụ huynh đã dồn sức cho con em đi học lò luyện thi nhằm giành được tối đa điểm số.
Việc đưa vào đề thi những “câu hỏi sát thủ” - tức là câu hỏi không thể giải được nếu chỉ học đúng chương trình giảng dạy tại các trường công lập - nhằm giúp phân loại những học sinh xuất sắc.
Thế nhưng, nó đã gây ra một cuộc chạy đua học thêm khi phụ huynh và học sinh đổ xô đến các trung tâm luyện thi tư nhân đắt tiền được gọi là “hagwon”.
“Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình với tư cách là bộ trưởng giáo dục để loại bỏ các câu hỏi bên ngoài hệ thống giáo dục công để kỳ thi trở nên công bằng”, Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho tuyên bố.
Đáng chú ý, những nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục trước đây đã thất bại, trong đó có cả đề xuất loại bỏ câu hỏi nằm ngoài chương trình công lập khỏi kỳ thi thử năm 2023.
Tầm quan trọng của bài thi này đã được chứng minh thông qua các biện pháp đặc biệt mà giới chức trách triển khai để bảo đảm kỳ thi diễn ra suôn sẻ, bao gồm cả lệnh tạm dừng cất cánh và hạ cánh tại các sân bay trong thời gian làm bài thi nghe môn tiếng Anh.
Nỗi áp lực to lớn đè nặng lên học sinh trong hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của Hàn Quốc được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên thuộc hàng cao nhất thế giới.
Ông Lee nói rằng các quan chức nên tự kiểm điểm vì trước đó đã không giải quyết vấn đề trên, và trong khi chính phủ khoanh tay đứng nhìn thì doanh thu của các trường luyện thi đang bùng nổ.
Theo thống kê của Hàn Quốc, các hộ gia đình Hàn Quốc đã chi hơn 20 tỷ USD cho giáo dục tư nhân ở cấp bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông vào năm 2022. Con số này tương đương mức chi trung bình là 320 USD/học sinh mỗi tháng.