Đồng bảng rớt giá gây sức ép về tài chính lên người tiêu dùng. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại London dẫn nhận định của công ty dịch vụ tài chính Anh Hargreaves Lansdown cho biết đồng bảng Anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ quyết định Brexit. Đồng tiền này đã rớt xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua ngay sau cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU ngày 23/6/2016, và kể từ đó tới nay giảm khoảng 15% so với đồng USD và 14% so với đồng euro. Đồng bảng Anh hiện giao dịch ở mức khoảng 1,26 USD và 1,13 euro.
Đối với người dân “xứ sương mù”, đồng bảng rớt giá không những làm giảm sức chi tiêu của người dân khi đi du lịch nước ngoài mà còn gây sức ép về tài chính lên người tiêu dùng, trong bối cảnh đồng bảng yếu đi là một trong những yếu tố đẩy lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây là 2,9%. Đồng bảng yếu và tài chính của các hộ gia đình sa sút cũng ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của các công ty tập trung vào thị trường Anh. Mặc dù chỉ số chứng khoán FTSE 100 tăng 18% trong năm vừa qua, song giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ vốn tập trung chủ yếu vào thị trường Anh như Dixons Carphone và Next sụt giảm mạnh, theo đó cổ phiếu của hai công ty này giảm lần lượt 29% và 27%.
Những người gửi tiết kiệm cũng là những người chịu thua thiệt trong bối cảnh lãi suất thấp và lạm phát cao. Cuộc đàm phán Brexit đầu tiên đã diễn ra vào đầu tuần này, song tổ chức công đoàn TUC ở Anh cho rằng 12 tháng sau quyết định Brexit, Chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch Brexit có thể mang lại lợi ích cho người dân.
Ngược lại, các công ty đa quốc gia lớn có tên trong chỉ số FTSE 100 và có nguồn doanh thu lớn ở nước ngoài lại hưởng lợi nhiều nhất từ sự xuống giá của đồng bảng sau quyết định Brexit. 10 công ty lớn nhất có tên trong chỉ số FTSE 100 giờ đây chiếm khoảng 46% giá trị vốn hóa của các công ty nằm trong chỉ số này.