Nằm ở bờ bắc hòn đảo Okinawa phía nam Nhật Bản, Ogimi được gọi là “Làng trường thọ”, với tuổi thọ trung bình ở mức hiếm gặp là 86,1 tuổi. Ngay lối vào ngôi làng có một tấm bia đá khắc dòng chữ bằng tiếng Nhật: “Ở tuổi 80, bạn mới chỉ là một thanh niên. Ở tuổi 90, nếu tổ tiên mời bạn đến thiên đàng, hãy nói họ đợi đến khi bạn 100 tuổi - lúc này, bạn có thể cân nhắc điều đó”.
Đó không hẳn là lối nói phóng đại. Với dân số khoảng 3.000 người, Ogimi có tới hơn 15 cụ già sống trên 100 tuổi. Khoảng 170 người ở độ tuổi 90. Ký giả Dan Buettner của kênh National Geographic đã liệt Ogimi là một trong năm điểm thuộc “Vùng xanh thẳm” - những nơi người dân có cuộc sống trường thọ nhất và hạnh phúc nhất. Ngoài Ogimi, những vùng đất khác được nhắc tới gồm có Sardinia, (Italy), Nicoya (Costa Rica), Ikaria (Hy Lạp) và Loma Linda, California (Mỹ).
Vậy điều gì khiến người dân làng Ogimi sống thọ đến vậy? Giáo sư Craig Willcox chuyên ngành sức khỏe cộng đồng và lão khoa tại Đại học Quốc tế Okinawa, đồng tác giả chính của Nghiên cứu Okinawa Centenarian về tuổi thọ của người Okinawa kể từ năm 1975, đã lý giải điều này qua ba yếu tố chính: Chế độ ăn uống, tập quán xã hội và di truyền. Theo ông, mức tuổi thọ cao của người sống tại làng Ogimi có liên quan đến chế độ ăn uống và cách sống, phần còn lại là do yếu tố di truyền gia đình, dù chưa thể khẳng định gien tại Okinawa có yếu tố trội hơn các vùng khác ở Nhật Bản.
Chế độ ăn uống bổ dưỡng, khoa học
Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều muối sẽ tạo thêm gánh nặng cho cơ thể và ảnh hưởng đến tuổi thọ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người trưởng thành chỉ nên hấp thụ từ 3-5g muối/ngày. Hơn ai hết, dân làng Ogimi là những người tuân thủ rất tốt yêu cầu này. Ăn nhạt, ít muối đã trở thành thói quen của người dân trong vùng.
Cư dân ở Ogimi cũng rất chú ý đến khẩu phần ăn ít mỡ, giàu đạm. Khảo sát cho thấy lượng mỡ được dùng trong ngày rất thấp, với tổng lượng calorie chỉ khoảng 11%, bằng 25% so với người châu Âu và người Mỹ. Người dân trong làng cũng ít khi ăn thịt, nhất là thịt đỏ. Họ ưa dùng món cá, đậu phụ, rau tươi và hoa quả vốn là những đồ ăn ít béo nhưng giàu protein. Đáng chú ý, dân làng Ogimia vẫn giữ tập quán canh tác xưa cũ, tự trồng rau, hoa quả, lương thực để phục vụ nhu cầu, bảo đảm yếu tố xanh, không ô nhiễm, không phải lo ngại về thuốc trừ sâu.
Theo Willcox, để ngăn ngừa ung thư và bệnh tim mạch, chế độ ăn uống của người Okinawa có hơn 5 khẩu phần trái cây cùng rau mỗi ngày, kết hợp nhiều cá, tốt cho tim mạch hơn thịt. Người Okinawa có cụm từ “nuchi gusui”, với ý nghĩa “hãy để thức ăn là thuốc của bạn”. Khoai lang, mướp đắng, thực phẩm biển giàu carotenoid như rong biển, rau lá xanh và trái cây trong chế độ ăn uống có tác dụng chống lão hóa, giúp giảm viêm khớp.
Cuộc sống ý nghĩa, gắn kết tình cảm làng xã
Cuộc sống trên đảo Okinawa không giống những nơi khác của Nhật Bản. Nơi đây có khí hậu cận nhiệt đới, với mùa đông ôn hòa. Cấu trúc xã hội ở Okinawa nói chung và làng Ogimi nói riêng được thiết lập trên nền tảng giúp các cư dân lớn tuổi giữ được mục đích sống, hay còn gọi ikigai –tiếng Nhật có nghĩa là “lý do tồn tại” trong cuộc sống.
Một trong những nhân tố đem lại cho nhiều người dân Ogimi cảm xúc ikigai là nghề dệt vải basho-fu. Hằng ngày, những người phụ nữ lớn tuổi thường làm sạch sợi và cuộn chỉ tại trung tâm basho-fu. Công việc này không chỉ là cách để duy trì hoạt động xã hội, mà còn mang lại cho những người cao niên thu nhập và đóng góp vào kinh tế của làng. Vận hành trung tâm này là một người 98 tuổi, trong một gia đình có rất nhiều người sống trên 100 tuổi.
Với người dân trong làng Ogimi, ikigai dựa trên những nguyên tắc sống rất đơn giản. Đó là luôn sống tích cực, không đầu hàng, không được đánh mất niềm tin trong cuộc sống. Phải biết sống chậm, bởi chính như người dân ở đây quan niệm “đi chậm mới đi được xa” và khi bỏ lại những hối hả, bận rộn ở phía sau đó mới là lúc con người nhận ra ý nghĩa cuộc sống. Kế đến là không ăn quá no, ăn thấp hơn nhu cầu cơn đói, điều đó sẽ tốt cho sức khỏe, giúp sống thọ hơn. Cũng phải quan tâm đến việc có bạn bè tốt, bởi đây là “liều thuốc cho sức khỏe”, giúp con người có điều kiện chia sẻ cảm xúc, mơ ước, vui cười, nhận lời khuyên bảo.
Những nguyên tắc ikigai khác được người dân Ogimi tuân thủ còn có tích cực luyện tập thể dục thể thao, cười nhiều nhất có thể, tái kết nối với thiên nhiên, coi thiên nhiên là nguồn tái tạo lại năng lượng. Nên thể hiện lời nói và thái độ biết ơn với tổ tiên, thiên nhiên đã cho ta cuộc sống này; tốt nhất là sống với thời điểm hiện tại, không tiếc nuối về quá khứ hay lo sợ tới tương lai. Với dân làng trường thọ, ikigai của họ là “trồng rau và tự nấu ăn”, “gặp gỡ bạn bè” và
“đan lát”. Ikigai không cần phải cao cả hay phức tạp, mà phần lớn là những hoạt động khiến bạn bận rộn nhưng cảm thấy vui vẻ suốt cả ngày.
Sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng còn được thể hiện qua “Moai” – tiếng Nhật dùng để chỉ một cơ chế xã hội giúp tập hợp những nhóm người có cùng mối quan tâm lại với nhau, cho phép họ phát triển các kết nối tình cảm. Buettner cho rằng đây là một yếu tố quan trọng giúp con người sống thọ, vì “cô đơn cũng tệ như hút thuốc vậy”.