Điểm nhấn của lễ hội ẩm thực tại Chợ Borough năm nay là sự hiện diện của những món ngon mang hương sắc vùng Catalonia của Tây Ban Nha. Những vị khách đến từ xứ sở này đã mang đến hội chợ không chỉ các món bánh ngọt và các loại xúc xích của quê hương mình mà còn cả những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống cùng tập quán trao hoa hồng và sách như một đặc trưng văn hóa của Catanolia để giới thiệu với bạn bè Anh và quốc tế tới thăm chợ Borough trong dịp này.
Trong không khí rộn ràng của lễ hội, các quầy hàng ăn hiện lên đầy màu sắc và hương vị. Đó là quầy hàng của Tây Ban Nha với món thịt bò viên sốt hải sản thơm lừng, quầy hàng của Italy với các món mì rưới phomát và nước sốt cà chua ngầy ngậy. Quầy hàng ăn Đức luôn có dòng người xếp hàng chờ đợi thưởng thức món bánh mì kẹp xúc xích nướng Frankfurter cùng chút mù tạt vàng, sốt ớt đỏ và ít rau cải bắp xắt sợi hấp dẫn. Những người thích món Á tìm đến với quầy hàng của Nhật Bản với món mì Udon sợi to trắng tinh nằm ngoan ngoãn trong những chiếc hộp xinh xắn điểm những con tôm đỏ hồng cùng những lá rau xanh mát mắt bên trên.
Ở quầy hàng của Thái Lan, du khách khá thích thú khi ngắm đầu bếp làm món bánh kếp dừa. Từng muỗng sữa dừa được cô gái trẻ khéo léo đổ vào những chiếc khuôn nhỏ đặt trên bếp, chờ cho đến khi chúng đặc lại và viền bánh bắt đầu chuyển sang màu vàng thì cô bỏ thêm nhúm tôm và hành lên trên mỗi chiếc bánh. Món bánh Falafel truyền thống của người Arập cùng món bánh tráng cuộn rau, thịt nướng, hành tây của người Jamaica vùng Caribe cũng thu hút nhiều thực khách.
Vừa thử các loại món ăn, du khách có thể chọn cho mình những món đồ uống giải khát của Anh như món trà chanh điểm lá bạc hà, hay li cocktail hơi cay nhẹ đặc trưng của một quầy hàng ăn Tây Ban Nha đã kinh doanh nhiều năm ở Chợ Borough. Với nhiều em bé được bố mẹ cho đi chơi chợ thì kem là món khoái khẩu nhưng mùi hương nồng nàn của cà phê ở một quầy gần đó cũng thu hút khách đông không kém. Sau khi đã ăn uống thỏa thích, du khách bắt đầu tìm đến quầy bán đồ ăn mà họ có thể mang về làm quà và lúc này đến lượt các chủ hàng bán bánh mì, bánh ngọt, pho mát, xúc xích, sôcôla... bận rộn. Ngày Thánh George vốn là ngày để người Anh thể hiện những gì được coi là truyền thống nhất nên trong lĩnh vực ẩm thực, đây cũng là dịp để họ giới thiệu với du khách muôn phương về các loại bánh, kẹo đa dạng ngon mắt của mình.
Ngày Thánh George được người dân xứ England (Anh) coi là Ngày Quốc khánh dù đây không phải là ngày nghỉ chính thức của Anh. Ngày này được kỷ niệm tại nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo và nhiều dân tộc, vương quốc, vùng thôn quê và thành phố tôn vinh Thánh George là Thánh đỡ đầu. Ngày Thánh George theo truyền thống được kỷ niệm vào ngày 23/4 hàng năm - tức ngày mất của ông vào năm 303 sau Công nguyên. Tuy vậy, do ngày này gần với dịp lễ Phục sinh nên các nhà thờ có xu hướng tổ chức Ngày Thánh George vào một khoảng thời gian sau đó, ví dụ như ngày thứ Hai đầu tiên sau tuần lễ Phục sinh. Tại Anh năm nay, Ngày Thánh George rơi vào 28/4.
Các nước tổ chức kỷ niệm Ngày Thánh George ngoài Anh còn có Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Cyprus, Gruzia, Hy Lạp, Macedonia, Romania và Serbia. Các thành phố tổ chức ngày lễ này ngoài London của Anh còn có Genoa ở Italy, Beirut ở Liban, Qormi và Victoria ở Malta, Moskva ở Nga, Ljubljana ở Slovenia, Rio de Janeiro ở Brazil cùng nhiều thành phố khác. Ngày lễ cũng được tổ chức tại nhiều vùng ở Tây Ban Nha như Aragon, Catalonia, Valencia và Majorca.
Đỗ Sinh (PV TTXVN tại London)