Giống như nhiều quốc gia phát triển khác, các siêu thị ở Singapore mọc lên ngày càng nhiều để đáp nhu cầu của “thượng đế”. Tuy nhiên, siêu thị hiện đại vẫn không thể thay thế các khu chợ truyền thống (với những ưu thế riêng của nó) ở Đảo quốc sư tử.
Tiện và rẻ
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, yếu tố thời gian giữ vị trí hết sức quan trọng. Các gia đình thường đi làm cả tuần và dành ra ngày nghỉ cuối tuần để đi chợ mua sắm lương thực, thực phẩm tích trữ cho cả tuần tới. Và đó là lý do khiến các siêu thị lớn mọc lên ngày càng nhiều, đặc biệt là ở những nước phát triển. Tuy nhiên, siêu thị cũng có những mặt hạn chế của nó, như địa điểm tương đối xa, thực phẩm thường là đông lạnh với mức giá cao. Trong khi đó, chính những điểm yếu này của siêu thị lại là điểm mạnh của các khu chợ truyền thống.
Các gian hàng bày bán trong chợ ướt Empress ở Singapore. |
Ở Singapore, chợ truyền thống thường được gọi là “chợ ướt”. “Chợ ướt” thường nằm ở những khu vực dân cư đông đúc có thu nhập thấp. Cư dân nơi đây có thể đi chợ hàng ngày bất kể khi nào họ thích và thoải mái mua thực phẩm tươi sống với giá rẻ hơn so với đồ đông lạnh trong siêu thị.
Hơn nữa, dù là nước phát triển song không phải nhà nào ở Singapore cũng có ô tô, trong bối cảnh chính phủ đánh thuế rất cao đối với việc sử dụng xe riêng nhằm tránh tình trạng quá tải gây tắc nghẽn giao thông. Do đó, việc đến các siêu thị xa để sắm đồ đối với người dân không tiện lợi bằng việc ra ngay các khu “chợ ướt” gần nhà.
“Chợ ướt” ở Singapore họp cả tuần, từ sáng sớm cho đến trưa. Trong chợ này có các quầy hàng bán thịt cá, rau quả, hàng xén... và nhiều khu vực bán quà sáng. Không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc sống người dân, chợ truyền thống ở Singapore còn góp phần giúp cho các khu nhà xung quanh “được giá” hơn. Theo quan sát thực tế tại địa bàn, một trong những tiêu chí chọn thuê nhà ở Singapore là phải gần các khu “chợ ướt” cũng như bến xe buýt và tàu điện ngầm. Và cũng vì thế mà giá nhà ở các khu vực này thường cao hơn so với các khu vực không có “chợ ướt”.
Ngoài ra, yếu tố văn hóa cũng khiến cho chợ truyền thống không thể thiếu. Singapore là quốc gia đa văn hóa, đa chủng tộc, do đó các khu chợ truyền thống - với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú - có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân, điều mà siêu thị khó có thể làm được. Điển hình cho các khu chợ truyền thống kiểu này là chợ Tàu ở khu phố người Hoa và chợ Tekka của người Ấn Độ ở tiểu khu Ấn Độ (Little India).
Mô hình mới
Ngoài siêu thị và chợ truyền thống, ở Singapore còn xuất hiện mô hình mới kết hợp giữa chợ truyền thống và siêu thị hiện đại. Mô hình này đã được tỉ phú Lim Hock Chee thực hiện rất thành công.
Việc lập ra mô hình mới này của ông Lim rất tình cờ. Vào đầu những năm 1980, gia đình ông Lim làm nghề chăn nuôi lợn gặp khó khăn khi chính phủ Singapore hạn chế các trang trạng nuôi lợn trên cả nước. Từ khó khăn này, ông chuyển sang cung cấp thịt lợn cho một siêu thị nhỏ. Sau một thời gian, chủ siêu thị gặp khó khăn về tài chính và ông Lim đã mua lại siêu thị trên và bắt đầu kinh doanh theo mô hình siêu thị “ướt và khô” đầu tiên ở Singapore, nơi khách hàng có thể mua mọi thứ có ở chợ truyền thống và siêu thị hiện đại.
Chính nhờ vào áp dụng thành công mô hình mới này, ông Lim đã từ một người chăn lợn bình thường trở thành tỉ phú hàng đầu của Singapore. Hiện chuỗi siêu thị Sheng Siong nổi tiếng của ông đã có hơn 33 siêu thị lớn nhỏ trên khắp Singapore. Hầu như người dân nào ở Singapore cũng biết tới chuỗi siêu thị Sheng Siong, bởi nó dường như đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của “thượng đế” ở Đảo quốc sư tử.
Lê Hải (P/v TTXVN tại Singapore)