Điều tra của phóng viên tờ Daily Star cho thấy: Mọi loại trang thiết bị của quân đội Mỹ đều được bày bán, trao đổi ở Gomrok bazaar, phía nam quảng trường Razi tại thủ đô Tehran (Iran).
“Chúng tôi có thể nhập về mọi thứ đồ mà quân đội Mỹ hiện có chỉ trong vòng 2 tuần, từ một nhà cung cấp ở Afghanistan. Tại Gomrok bazaar này, chúng tôi bán bất kì sản phẩm gì - từ đồ lót của nữ quân nhân đến các loại vũ khí của Mỹ ”, một nhà buôn cho biết. Một chủ hàng khác nói ông thậm chí đang cố bán một chiếc trực thăng Apache, còn người thứ ba thì tuyên bố đang sở nguồn hàng là các thiết bị quan sát ban đêm.
Thiết bị kính nhìn ban đêm của hãng Eureka (Mỹ)
|
Tại Gomrok bazaar có khoảng 50 cửa hiệu bán đồ quân dụng, trang thiết bị quân sự Mỹ, cùng với hàng loạt những mặt hàng khác được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Những mặt hàng phổ biến là giày ủng Altama, găng tay CamelBak, tất Picket Hosiery Mills, lều vải, đèn chiếu đêm… "Người mua hàng ai cũng hài lòng, vì hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý", một nhà buôn nói.
Những nhà buôn cho biết, họ không muốn lộ danh tính vì sợ bị cảnh sát bắt. Theo họ, những sản phẩm kể trên thường được bán cho đại diện quân đội Iran. Mọi hàng hóa đều có nhãn mác từ Mỹ, cùng với tên các nhà thầu và nhà cung cấp sản phẩm.
Ảnh chụp cho thấy các loại sản phẩm này dường như đều là hàng thật, có xuất xứ từ Mỹ. Số hợp đồng cùng những thông tin đóng gói, nhãn mác đều tuân thủ các dữ liệu công khai của chính quyền Mỹ. Đại diện 2 nhà sản xuất Mỹ cũng cho biết, những bức ảnh chụp cho thấy các mặt hàng này là “xịn”.
Sharon Ward, Giám đốc truyền thông, quan hệ công chúng tại công ty Pelican Products khẳng định, một bức ảnh chụp chính là bộ dụng cụ do công ty sản xuất hồi tháng 8/2011. Đại diện của hãng Danner thừa nhận, đôi giày cao cổ dán mác công ty này cũng là "xịn". Mã vạch CAGE (mã thương mại, chính phủ) trong ảnh chụp đôi giày này là 63887 - đúng trong mã Danner đã cấp ra.
Ngạc nhiên hơn cả là mức giá. Nếu như một bộ đồ của Amstrong sản xuất có giá là 5.000 USD tại website của hãng này, thì tại Gomrok bazaar, nó chỉ được chào ở mức 1.000 USD. Điều tra của tờ Daily Star xác nhận, hàng loạt mặt hàng quân dụng Mỹ bán tại đây đều có thông số, thông tin phù hợp với dữ liệu của các cơ quan chính quyền Mỹ, như Bộ Tư lệnh lục quân, Bộ Quốc phòng.
Giới chức Mỹ hiện khá dè dặt trước những thông tin này. Phát ngôn viên Cục Hậu cần Michelle McCaskill nói rằng cần phải nghiên cứu thêm thông tin để đưa ra lời bình luận thỏa đáng. George Wright, phát ngôn viên Lục quân tại Lầu Năm góc cũng cho biết, chưa thể đưa ra đánh giá “về những gì đang xảy ra ở Iran”. Phóng viên của tờ Daily Star cũng không thể có được câu trả lời từ giới chức quân sự Iran.
Thế nhưng, có một sự thật là những tay buôn lâu năm ở Gomrok bazaar có thể đã thu được khoản lời hàng triệu USD từ số trang bị quân đội Mỹ bỏ lại Iraq và tiếp sau đó là từ Afghanistan. Họ cho biết nguồn hàng đến từ Afghanistan, Iraq và Kuwait. Nguồn gốc xuất xứ cũng đa dạng, có thể là do các trang thiết bị quân sự của lính Mỹ rơi rớt lại sau các cuộc chiến tại ba nước trên, cũng có thể là do quân khủng bố chiếm giữ được sau các vụ đột kích những đoàn xe hậu cần, tiếp tế cho quân Mỹ tại các chiến trường này.
Nhà buôn nói là đang tìm cách bán chiếc Apache không tiết lộ lấy hàng từ đâu, đồng thời khẳng định: “Tôi có thể chuyển nó đến biên giới Iraq nơi người Kurd sinh sống, nhưng sau đó thì người mua phải tự chuyển đi”.
Hoài Thanh (
Dailystar)