Máy dò bom rởm tràn lan ở Irắc

Một anh lính Irắc mặc quân phục rằn ri bước dọc theo dãy xe ô tô đậu trước cổng Vùng Xanh ở Bátđa, nhìn chăm chăm vào chiếc ăngten bạc của chiếc máy dò bom bên tay trái để xem nó có phát ra tín hiệu nguy hiểm hay không. Nhưng chiếc máy không dẫn anh ta đến bất cứ quả bom hay vũ khí nào, bởi giống như những chiếc máy dò bom được dùng tại các trạm kiểm soát trên khắp Bátđa hay ở bất cứ đâu tại Irắc, chúng đều… vô dụng.


 

Máy dò bom vô tác dụng vẫn được sử dụng rộng rãi tại Irắc.

Bằng chứng về các máy dò bom rởm đã có từ nhiều năm nay, nhưng điều đó vẫn không ngăn cản giới chức Irắc tiếp tục sử dụng chúng tại các trạm kiểm soát trên khắp đất nước, trong đó có cả ở những khu vực nhạy cảm và an ninh siết chặt như Vùng Xanh, nơi đặt tổng hành dinh của chính phủ.
Máy dò bom ADE 651 được sử dụng tại Irắc do công ty ATSC của Anh sản xuất. Nhà sản xuất quảng cáo rất nhiều tính năng của thiết bị này, chẳng hạn, nó có thể phát hiện hàng loạt vật thể, từ thuốc nổ cho đến ngà voi, ở khoảng cách xa 1.000 mét trên mặt đất, hoặc 3.000 mét từ trên không nhờ sử dụng các “cạc cảm biến” có kích thước tương đương một chiếc thẻ tín dụng.


Trên thực tế, những chiếc máy lại thể hiện khả năng trái ngược. Đầu năm 2010, Giám đốc ATSC, Jim McCormick bị bắt tại Anh và các sản phẩm của công ty bị cấm xuất khẩu sang Irắc và Ápganixtan. Nhà chức trách Anh cho biết, “các thử nghiệm cho thấy, công nghệ sử dụng trong ADE 651 và các thiết bị tương tự không thích hợp trong phát hiện bom”.


Các lực lượng Mỹ tại Irắc đã công bố báo cáo cho rằng, lô thiết bị trên không hiệu quả, trong khi nghiên cứu của Bộ khoa học công nghệ nước này cũng cho thấy ADE 651 không hoạt động.


Sau công bố này, Thủ tướng Irắc Nuri al-Maliki đã ra lệnh điều tra về lô thiết bị trên. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau, người phát ngôn chính phủ Ali al –Dabbagh cho biết, cuộc điều tra phát hiện “trên 50% số máy hoạt động tốt, số còn lại chúng tôi sẽ sửa chữa”, đồng nghĩa các thiết bị rởm vẫn được sử dụng.


“Tham nhũng nặng nề. Tôi tin là các thiết bị này, dù vô tình hay cố ý, cũng đã góp thêm phần vào đổ máu và lãng phí máu của người Irắc vì nó không hiệu quả như yêu cầu cần có”, Bộ trưởng Nội vụ, Tướng Aqil al-Turaihi nói. Ông cho biết, báo cáo từ Bộ tư lệnh Các chiến dịch Bátđa cho thấy, tại một khu vực, ADE 651, cùng với các thiết bị an ninh khác, chỉ ngăn ngừa được 19% số vụ tấn công bằng bom.


Bộ Nội vụ Irắc đã chi trên 143,5 tỉ dinar (khoảng 119,5 triệu USD) cho các thiết bị ADE 651 trong năm 2007 và 2008 - thời điểm “đang xảy ra cuộc bán nội chiến và các phần tử khủng bố tiến hành làn sóng đánh bom khắp đất nước”. Irắc đã phải mua lô máy dò bom của ATSC qua một nhà cung cấp với giá 45-65 triệu dinar (khoảng 37.500-54.000 USD)/chiếc, trong khi công ty này bán ở nơi khác chỉ với giá 3.000 USD/chiếc. Ông Tuhairi cho rằng, “mức giá trên trời và những quy định trong hợp đồng đã bị nạn tham nhũng chi phối”.


Nhưng bất chấp điều đó, các máy ADE 651 vẫn được sử dụng. Tại một chốt kiểm soát điển hình ở Bátđa, một quân nhân hoặc một cảnh sát đứng dưới mái hiên kim loại, với chiếc ADE 651 chỉ vào những chiếc xe đang bị kiểm soát khi chúng đi qua, trong khi một hoặc vài người khác, thường vũ trang súng trường tấn công M-16 hoặc AK, đứng bên hỗ trợ. Nếu ăng ten của máy dừng lại ở một chiếc xe, nó sẽ được điều đến khu thứ hai của chốt kiểm soát, tại đây cảnh sát hoặc binh sĩ sẽ kiểm tra căn cước hoặc lục soát xe, thường chỉ là xem thùng xe đằng sau. Nhưng các tay súng đã nhiều năm kinh nghiệm ở Irắc, thường chẳng bao giờ đặt vũ khí trong thùng xe mà có những cách che giấu kín đáo hơn nhiều.


Những vụ đánh bom xả súng diễn ra gần như hằng ngày ở Irắc là bằng chứng cho thấy thất bại của ADE 651 và các chốt kiểm soát nơi chúng được sử dụng, vốn bị chỉ trích là chỉ gây kẹt xe và bất tiện cho lưu thông.


Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN