“Lõa hôn” - Trào lưu mới của giới trẻ Trung Quốc

Xin bạn chớ vội kinh ngạc, “lõa hôn” ở đây không có nghĩa là cô dâu và chú rể lõa thể làm đám cưới, mà chỉ đơn giản là họ về sống với nhau hợp pháp với một tờ giấy đăng kí kết hôn mà không tổ chức đám cưới linh đình, không đi nghỉ tuần trăng mật, mà phía nhà gái cũng không yêu cầu chú rể phải có nhà, có xe và nhẫn cưới. Trong điều kiện vật giá đắt đỏ, “lõa hôn” quả thật đã trở thành lối thoát cho nhiều cặp đôi khó khăn về kinh tế.

Hôn nhân đâu phải xây lên từ vật chất

Các cụ thường nói “tam thập nhi lập", ấy vậy mà dù đã “băm mấy nhát” và cầm trong tay tấm bằng Tiến sĩ, nhưng tới giờ Tiểu Đường vẫn chưa có vợ dù rằng cuộc tình mà Tiểu Đường đang có đã kéo dài hàng năm. Đơn giản vì Tiểu Đường chưa hội đủ các “điều kiện hiện thực cho cuộc sống hôn nhân”: Có nhà, có xe, có tiền để mua nhẫn cưới, đặt tiệc và long rong đây đó trong tuần trăng mật. Chẳng có cách nào, Tiểu Đường lại căng ra kiếm tiền. Do mải miết lo làm sao có được mấy chục nghìn nhân dân tệ để tổ chức đám cưới, nên khi nghe thấy từ “lõa hôn”, Tiểu Đường tròn mắt ngạc nhiên: “Có kiểu hôn nhân ấy ư! Ôi, tôi phải về bàn với bạn gái xem sao. Nếu được như vậy thực là tốt. Quan trọng nhất là chúng tôi vẫn vui vẻ bên nhau”. “Nếu nhiều người lõa hôn, giá nhà chắc chắn sẽ rớt, khi đó chúng tôi có thể mua nhà được rồi”, Tiểu Đường hi vọng.

Sinh ra trong gia đình giàu có, không phải lo lắng về tiền bạc, nhưng Thái Sơn và Tiểu Nguyệt vẫn muốn đặt một dấu chấm đẹp cho cuộc tình kéo dài 6 năm của hai người bằng “lõa hôn”. Thái Sơn và Tiểu Nguyệt cho biết “lõa hôn” không chỉ giúp họ thoát khỏi hàng đống phiền hà từ chuyện chụp ảnh hiện trường, tới việc đặt nhà hàng, phát thiệp cưới cùng nhiều thủ tục rườm rà đầy những tiểu tiết, không cẩn thận lại gây xích mích giữa hai họ. Cân nhắc kĩ càng, cuối cùng Thái Sơn và Tiểu Nguyệt quyết định chọn ngày ra ủy ban đăng ký kết hôn rồi mời một nhóm nhỏ bạn thân về nhà ăn bữa cơm thân mật chứng kiến việc họ chính thức trở thành vợ chồng. Với đồng nghiệp, lại càng đơn giản, họ chỉ mang một ít bánh kẹo đến để mọi người cùng chia vui. Thái Sơn cho rằng hạnh phúc hôn nhân không liên quan gì đến hình thức tổ chức hôn nhân. Điều quan trọng nhất là hai người phải đồng quan điểm và hai con tim hướng về nhau.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Trong bối cảnh vật giá leo thang, giá nhà “trên trời”, số bạn trẻ ủng hộ “lõa hôn” ở Trung Quốc ngày càng nhiều, đặc biệt là các bạn trai. Theo kết quả một cuộc điều tra trên mạng công bố trên tờ Dương Thành vãn báo gần đây, có tới 80% số bạn trai được hỏi ủng hộ “lõa hôn”. “Cấn cá” chủ yếu đến từ phía các bạn gái.

Lợi Lợi năm nay 28 tuổi, là nhân viên văn phòng ở Bắc Kinh, tâm sự: “Vợ chồng nghèo việc gì cũng khó, không phải tôi quá đòi hỏi, nhưng xã hội rất hiện thực. Khi mới tốt nghiệp đại học, tôi cảm thấy tình yêu thật thuần khiết chỉ cần một cốc nước lọc và một chiếc bánh bao là đủ. Tuy nhiên, bây giờ suy nghĩ ấy đã tan biến. Không có nhà sau khi cưới chúng tôi ở đâu? Phải đi thuê nhà ư? Đến bao giờ con cái mới được nhập hộ khẩu”. Ngoài ra, Lợi Lợi còn cho rằng hình thức hôn lễ là cần thiết bởi đó không chỉ là phong tục tập quán mà còn quan hệ tới thể diện của các bậc phụ huynh. “Chẳng có cha mẹ nào muốn con mình lùi lũi về nhà chồng”, Lợi Lợi bày tỏ.

Đồng ý rằng hôn nhân là điều quan trọng nhất trong cuộc sống và nói bạn trai cô không nhất thiết phải có nhà và ô tô, nhưng Chu Hoàng, một thư ký trẻ ở Thượng Hải, cho rằng bạn trai cô ít nhất cũng phải tặng cô nhẫn cưới. “Tôi nghi ngờ sự chân thành nếu người đàn ông hỏi cưới cô gái mà không có nhẫn cưới, lễ cưới. Nếu thực sự muốn kết hôn, anh ấy phải chuẩn bị sẵn sàng như việc tiết kiệm tiền”, Chu Hoàng bày tỏ. Cùng chung quan điểm với Chu Hoàng là 44% số phụ nữ được hỏi. Theo họ, “lõa hôn” hoàn toàn, nghĩa là tổ chức đám cưới mà không có nhà, xe, nhẫn cưới, tiệc cưới và trăng mật thì thật khó chấp nhận, còn nếu chỉ thiếu một số thứ trong đó thì chấp nhận được. Vương Chí Hoa, Trưởng phòng Tư vấn Hôn nhân của trang web môi giới hôn nhân lớn nhất Trung Quốc (baihe.com) cũng cho biết phần lớn bạn trẻ thích hôn nhân kiểu “2 không”, “3 không”. Chỉ những bạn trẻ ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, nơi chi phí kết hôn thông thường quá cao mới thích kết hôn “5 không” theo kiểu “lõa hôn” hoàn toàn.

Ý kiến của chuyên gia

Nói về trào lưu “lõa hôn”, bà Tô Cầm, chuyên gia tư vấn tình cảm nổi tiếng Trung Quốc cho rằng “lõa hôn” là thể hiện sự “đành vậy” và “chống lại” hiện thực của lớp người đương đại. Nếu xem xét kĩ tình hình hiện nay thì tuyệt đại đa số người lựa chọn “lõa hôn” không phải vì thích phương thức hôn nhân này mà chỉ là để ứng phó với tình hình vật giá cao, giá nhà cao. Nó cũng cho thấy quan niệm hôn nhân của thanh niên Trung Quốc hiện nay ngày càng hiện thực, chỉ coi tiền bạc là hình thức bề ngoài mà không phải là cái thực sự cần trước tiên. Do đó, “lõa hôn” thực sự là thách thức đối với quan niệm phổ biến hiện nay: “Không có nhà không kết hôn”, “hôn nhân coi trọng vật chất”. Xuất phát điểm của “lõa hôn” được quy về góc độ “vì tình yêu” đã nhấn mạnh tới vai trò của một cuộc hôn nhân thuần khiết. Tuy nhiên, “lõa hôn”, theo bà Tô Cầm rất dễ gây ra “hôn nhân tốc hành”, nhất là khi người trong cuộc coi hôn nhân là chuyện dễ dàng, chỉ cần bỏ ra vài đồng làm cái giấy chứng nhận kết hôn là xong. Nếu vợ chồng không thực sự coi trọng giá trị gia đình và sự bền vững của hôn nhân, tình cảm giữa hai người sau khi về ở dưới mái nhà chung dù hợp pháp, nhưng rất nhanh xuống dốc và rơi vào tình trạng “hôn nhân chóng vánh, li hôn tốc hành”. Ông Vương Chí Hoa cũng cho rằng “lõa hôn” tuy mang lại lợi ích cho xã hội, nó giúp giới trẻ hiểu rõ hơn về hôn nhân vì tình yêu, không màng tới giàu sang, nhưng “lõa hôn” có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ bền vững. Bởi hôn nhân thường dựa trên tình yêu, trách nhiệm và vật chất. Nếu thiếu bất kỳ điều gì cũng có thể làm nảy sinh vấn đề trong mối quan hệ vợ chồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN