Tổ chức UNICEF đã cảnh báo khủng hoảng xảy ra tại các trung tâm chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV ở Ukraine trong bối cảnh nước này diễn ra xung đột triền miên giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông.
Nhân viên tình nguyện, Vlamidir thăm hỏi 4 gia đình đang sinh sống tại những đường ngầm dẫn nước nóng. Tất cả thành viên trogn nhà đều bị nhiễm AIDS và mắc bệnh lao phổi. |
Một năm giao tranh đã khiến hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS của chính phủ giảm sút và không thể ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh dịch. Chiến sự ở phía Đông Ukraine cùng với những rối ren chính trị tại Kiev đã chặn nguồn cung các dược phẩm kháng virus sao chép ngược (AVR) – một loại thuốc được sử dụng để kéo dài cuộc sống của những người bị lây nhiễm HIV, cũng như có hiệu quả cao trong việc hạn chế sự lây truyền của loại virus này. Rất nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV đã không được cấp thuốc đầy đủ, và điều này đã dẫn đến việc càng ngày càng có nhiều trẻ em được sinh ra có kết quả xét nghiệm dương tính với loại virus chết người này. Chỉ trong năm ngoái, tại Ukraine đã có hàng trăm trẻ được sinh ra bị nhiễm virus HIV do tình trạng thiếu các loại thuốc tối cần.
Loại thuốc tối cần AVR để giảm bớt các triệu chứng của bệnh AIDS luôn là dược phẩm đắt đỏ tại Ukraine.
|
“Những loại thuốc đó rất đắt và tốn rất nhiều tiền, mặc dù cộng đồng quốc tế đang chung sức để hỗ trợ Ukraine song nỗ lực đó vẫn chưa đủ”, ông Giovanna Barberis – đại diện tổ chức UNICEF tại Ukraine cho biết. Chiến tranh đã làm cho ngân sách tài chính của Ukraine bị cạn kiệt, buộc chính phủ phải ký một khoản viện trợ trị giá 17 tỷ USD với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Trước những lời cảnh báo, Bộ trưởng Bộ Y tế của Ukraine ông Alexander Kvitashvili cho hay đất nước vẫn có khả năng kiểm soát được bệnh dịch. Song thực tế các bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ ngay tại mặt trận chống virus HIV lại không đồng ý với lời khẳng định của ông Kvitashvili. Trung tâm Chữa bệnh Quốc gia tại Kiev là ngôi nhà của 20 đứa trẻ bị nhiễm HIV. Rất nhiều trong số chúng đã bị bỏ rơi tại các trại trẻ mồ côi của chính phủ. Bác sĩ nhi khoa Vera Checheneva – một trong ít bác sĩ tại Ukraine đồng ý chữa trị cho các bệnh nhân nhí nhiễm HIV cho biết: “Hiện tại tôi cảm thấy như mình không phải đang ở Ukraine mà đang ở châu Phi vậy. Chi phí chữa trị rất đắt, và chính phủ vì muốn tiết kiệm tiền nên mua những loại thuốc rẻ hơn, nhưng chất lượng của chúng không hề tốt một chút nào".
Hồng Hạnh (theo Sky News)