Theo lời kể của các nhân chứng, chính một nhóm người Kenya theo đạo Hồi trên xe đã khiến âm mưu của Al-Shabaab thất bại khi họ đứng ra che chắn cho những hành khách theo đạo Cơ đốc. Phần lớn những con người dũng cảm ấy là phụ nữ, và họ đã ném thẳng những lời lẽ đanh thép vào mặt những kẻ cầm súng: Hoặc giết tất cả hoặc để họ yên. Câu chuyện trên diễn ra trên một chuyến xe buýt ở Kenya đang trong hành trình hướng đến thành phố Mandera nằm gần biên giới với hai quốc gia Somalia và Ethiopia. Vì đây là tuyến đường có nhiều rủi ro an ninh nên xe cảnh sát thường đi theo hộ tống. Tuy nhiên, vì một sự cố của xe cảnh sát, chiếc xe buýt hôm đó đã tiếp tục hành trình “đơn thương độc mã”. Chỉ vài giờ sau đó, cuộc tấn công của nhóm phiến quân diễn ra.
Các tay súng al-Shabab ở Somalia thường tấn công ở biên giới Kenya. Ảnh: BBC |
Những tay súng bịt mặt chặn chiếc xe buýt chở theo trên 100 hành khách, ra lệnh người Hồi giáo bước ra khỏi xe để tự tách mình ra khỏi người theo đạo Cơ đốc. Nhưng tiếng nói của những kẻ cầm súng không phải là tiếng lòng của hành khách trên xe. Đưa cho những người phụ nữ theo đạo Cơ đốc chiếc khăn trùm đầu hijab, những người Hồi giáo gan dạ còn giúp họ ẩn mình sau những chiếc túi trên xe. “Nếu các người muốn giết chúng tôi thì giết đi. Chẳng có người Cơ đốc giáo nào ở đây hết”. Đó là tiếng nói chính nghĩa vang lên được một nhân chứng thuật lại. Kết quả là, sau khi giết một người đàn ông theo đạo Cơ đốc và tài xế, các tay súng bỏ đi, không quên để lại lời cảnh báo sẽ quay trở lại.
Al-Shabaab là một nhóm người Somalia bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài, muốn biến Somalia thành một Nhà nước Hồi giáo. Kể từ năm 2011 khi lực lượng Kenya vào Somalia chống khủng bố, nhóm này đã tổ chức một loạt các cuộc tấn công ở Kenya với mục đích tạo ra sự chia rẽ ở các khu vực biên giới hai nước này, nơi có nhiều người có nguồn gốc Somalia. Một trong những đợt xuống tay tàn bạo nhất của nhóm này là cuộc tấn công vào Trường Đại học Garissa hồi tháng 4 năm ngoái với yêu cầu sinh viên hoặc đọc được kinh Koran, hoặc chết, dẫn đến sự ra đi của gần 150 người. Trong một vụ tấn công xe buýt tương tự hồi năm 2014, 28 người không đọc được kinh Koran cũng bị các tay súng máu lạnh thuộc nhóm này sát hại.
Một sự giao thoa tôn giáo
Ẵm trên tay đứa con hơn bảy tuần tuổi, người mẹ 42 tuổi theo đạo Hồi, Amalina ngồi lắng nghe một nhà hoạt động theo đạo Cơ đốc trích dẫn kinh thánh trước một đám đông phần lớn là người Malaysia và cũng như cô, theo đạo Hồi. Phía bên cạnh, bốn đứa con cô có độ tuổi từ 8 đến 18 cũng đi cùng mẹ. Diễn ra ở Taman Tun Dr Ismail, Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), buổi chia sẻ là một cuộc giao lưu giữa những người theo Cơ đốc giáo và những người theo Hồi giáo. Tại đây, họ cùng chia sẻ quan điểm về tôn giáo, con đường đến với đức tin cũng như những quan điểm tạo cảm hứng cho họ tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Không câu chuyện về tôn giáo nào làm những người theo tôn giáo khác cảm thấy khó chịu. Trái lại, mỗi một câu chuyện đều nhận được sự tán thưởng, động viên và khích lệ.
Không chỉ là một người Hồi giáo không ủng hộ các diễn đàn chống Cơ đốc giáo, bà mẹ 5 con Amalina còn thường xuyên tạo điều kiện để con cái có cơ hội tiếp xúc với các đức tin khác. Cô mang lũ trẻ đến các đền đài lẫn nhà thờ để xây dựng tư duy của những “công dân toàn cầu” cho lũ trẻ. Trong suy nghĩ của Amalina, cô muốn các con lớn lên không chỉ là những người Hồi giáo biết tự hào vì tôn giáo của mình mà còn có thể chấp nhận và hòa nhập với bất kì tôn giáo nào khác hiện hữu trên Trái đất này. “Tôi không thấy việc này xung đột với tôn giáo của tôi. Nói cho cùng, Allah đã tạo ra loài người thành nhiều nhóm khác nhau để họ có thể học hỏi từ người khác”, Amalina chia sẻ.