Nguồn năng lượng sạch
Nhà máy Wayang Windu được đặt theo tên ngọn núi lửa nằm gần đó ở trên hòn đảo Java của Indonesia. Các đường ống của nhà máy chạy dọc ngang quanh sườn ngọn núi lửa đang hoạt động. Luồng nhiệt từ các giếng dung nham tỏa ra thông qua các đường đứt gãy, đun nóng các bể chứa nước ngầm dưới mặt đất của nhà máy. Từ đó, hơi nước bốc lên sẽ được các đường ống truyền dẫn tới các tuốc bin khổng lồ để sản sinh ra điện năng.
Địa nhiệt là nguồn năng lượng ổn định, thân thiện với môi trường khi gần như không giải phóng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khác hẳn với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm như dầu mỏ và than đá.
Nhà máy điện địa nhiệt Wayang Windu nhìn từ xa. |
Theo tạp chí National Geographic, đất nước vạn đảo Indonesia có nhiều núi lửa hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ước tính, các giếng địa nhiệt ở đây chiếm tới 40% nguồn dự trữ năng lượng này ở trên địa cầu, tương đương 28.000 triệu megawatt. Các dự án khai thác địa nhiệt ở Indonesia được bắt đầu từ năm 1985, tuy nhiên sau nhiều năm, nguồn tài nguyên trời phú này vẫn chưa được sử dụng hiệu quả như một nguồn năng lượng tái tạo bền vững. Chính phủ Indonesia đã đưa ra các chính sách để quyết tâm xóa bỏ những rào cản để đẩy mạnh khai thác lĩnh vực này trong vòng thập kỷ tới. “Tiềm năng là vô cùng to lớn”, quản lý Rully Wirawan tại nhà máy Wayang Windu nói, “Tôi tin rằng hoạt động khai thác địa nhiệt sẽ phát triển hơn trong tương lai”.
Ở thời điểm hiện tại, đất nước có 250 triệu dân này vẫn chủ yếu lệ thuộc vào nguồn điện từ than đá và dầu mỏ. Sáu nhà máy địa nhiệt nằm trên các đảo Java, Sumatra và Sulawesi ở Indonesia mới chỉ sản xuất được 1.400 megawatt điện, đủ cung cấp cho 1,4 triệu hộ dân. Dựa trên các số liệu thực tế thì tiềm năng địa nhiệt khổng lồ ở đây mới chỉ được khai thác rất ít ỏi, chưa đạt 5%.
Vì lẽ vậy, chính phủ Indonesia đã hạ quyết tâm vào năm 2025 phải khai thác được 7.200 megawatt, đồng thời đưa quốc gia này trở thành nhà sản xuất điện địa nhiệt hàng đầu thế giới, vượt qua Mỹ và Philippines. Mặt khác, chính phủ cũng tìm cách thuyết phục chính quyền địa phương -đôi khi phản đối việc xây dựng các nhà máy nhả khói nóng trên địa bàn của họ - bằng cách chia cho các địa phương gần 1% lợi nhuận thu được từ nhà máy điện địa nhiệt để phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Còn nhiều trở ngại
Khai thác điện địa nhiệt đã từ lâu bị xếp nhầm vào nhóm các hoạt động khai mỏ nên không được phép diễn ra trong các khu vực rừng bảo tồn -nơi được cho là có 2/3 nguồn dự trữ địa nhiệt của Indonesia. Chính sự hiểu nhầm trên đã cản trở lĩnh vực này vươn lên trong một thời gian dài. Mãi tới cách đây 2 năm, chính phủ đã ban hành một điều luật, quy định rõ khai thác địa nhiệt không phải là khai thác mỏ.
Mặc dù đã được chính phủ định hướng phát triển thành nguồn năng lượng sạch của quốc gia, nhưng ngành công nghiệp địa nhiệt ở Indonesia vẫn vướng phải những trở ngại khó tháo gỡ. Một trong những vấn đề cam go nhất chính là chi phí thăm dò địa chất rất tốn kém, về cả thời gian lẫn tiền bạc mà không phải lúc nào cũng thành công.
Theo tính toán, chi phí ban đầu cho thăm dò và khoan giếng địa nhiệt cần tới hàng chục triệu USD. Ngoài ra, việc xác nhận và kiểm chứng nguồn địa nhiệt cũng phải mất từ 2 - 3 năm và cần thêm từ 3 - 5 năm nữa để khoan giếng nhằm đảm bảo việc cung cấp hơi nước và xây dựng nhà máy. Để xây dựng một trạm điện địa nhiệt cũng phải bỏ ra một khoản 4 -5 triệu USD cho mỗi megawatt công suất, đắt hơn nhiều so với nguồn kinh phí 1,5 -2 triệu USD của một trạm điện đốt than. Ngoài ra, việc thiết kế thi công của một nhà máy địa nhiệt cũng phức tạp hơn nhiều so với các trạm phong điện và năng lượng mặt trời.