Báo cáo của WHO cho biết trong số 503.484 ca mắc dịch tả, đã có 1.975 ca tử vong. Mặc dù tốc độ lây nhiễm dịch được ghi nhận đã chậm lại từ đầu tháng 7, song WHO cảnh báo căn bệnh lây nhiễm qua đường nước sinh hoạt mất vệ sinh tại quốc gia châu Phi này vẫn đang tiếp tục hoành hành với số người nhiễm dịch ước tính 5.000 người mỗi ngày.
Một em bé bị nhiễm dịch tả điều trị tại một bệnh viện ở Sanaa. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo WHO, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng sau 2 năm xảy ra cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và các nhóm nổi dậy dòng Shiite đã khiến toàn bộ hệ thống cấp nước ô nhiễm nặng nề. Đây chính là nguyên nhân làm dịch tả tại Yemen bùng phát mạnh nhất trên thế giới. WHO cho rằng bệnh lây nhiễm với tốc độ nhanh là do điều kiện vệ sinh và nước sinh hoạt xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn nước sạch của hàng triệu người trên cả nước đã bị cắt hoàn toàn.
Trong tuyên bố phát đi cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nhân viên y tế của Yemen đang làm việc trong điều kiện thiếu thốn. Hàng nghìn người nhiễm dịch trong khi không có đủ bệnh viện, thuốc men và nước sạch để điều trị. Thậm chí nhiều bác sĩ và điều dưỡng phải vật lộn từng ngày với hy vọng dập tắt được dịch tả nhưng vẫn không được trả lương trong gần một năm qua.
Theo ông Tedros, WHO và các đối tác đang phải chạy đua với thời gian để hỗ trợ Yemen ngăn chặn đợt dịch có nguy cơ tử vong cao này. Ông Tedros khẳng định 99% người nhiễm dịch tả tại Yemen có thể được cứu sống nếu được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Hiện hơn 15 triệu người Yemen không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản.
Ông Tedros yêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Yemen nhanh chóng tìm ra một giải pháp chính trị vì người dân cần hòa bình để tái thiết đất nước và bảo đảm cuộc sống.