Theo bài viết mới đây trên thương hiệu truyền thông doanh nghiệp Fast Company, một số công ty ở Thung lũng Silicon đã sử dụng hệ thống điểm số tín nhiệm xã hội. Đây là hệ thống dùng để đánh giá mức độ tin cậy của công dân dựa trên sơ yếu lí lịch cá nhân hoặc hoạt động xã hội, từ đó để xét xem người đó có được sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ hay không.
Mô hình chấm điểm tín nhiệm này được cho là giống với hệ thống điểm số tín nhiệm đang áp dụng tại Trung Quốc. Trong một số trường hợp, những công dân bị xếp hạng thấp bị cấm sử dụng phương tiện công cộng, cấm rời khỏi quốc gia hoặc được tuyển dụng trong một số công việc.
Cụ thể, đầu năm nay, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Tiểu bang New York (Mỹ) thông báo các công ty bảo hiểm nhân thọ tại quốc gia này có thể xác định tiền đóng phí bảo hiểm cho một công dân dựa trên những nội dung mà người tham gia đăng trên các trang mạng xã hội. Một bức ảnh đăng trên Instagram chụp bạn trêu một con gấu xám ở Yellowstone với một ly rượu martini trong tay, tay còn lại cầm một chậu khoai tây chiên và mồm ngậm điếu thuốc, điều đó có thể khiến bạn mất nhiều tiền.
Ngược lại, một bài đăng trên Facebook ghi lại hình ảnh bạn tập yoga có thể giúp bản thân tiết kiệm tiền. Các công ty bảo hiểm nhân thọ khẳng định bằng chứng trên mạng xã hội có thể chỉ ra mức độ nguy cơ mà người tham gia bảo hiểm đối mặt.
Tương tự, một công ty có tên gọi PatronScan cung cấp các sản phẩm công nghệ giúp chủ nhà hàng, quán bar quản lý khách hàng. Hiện sản phẩm của công ty đang có mặt rộng khắp tại các thị trường Mỹ, Canada, Australia và Anh.
PatronScan giúp các nhà hàng, cửa tiệm nhận diện thẻ căn cước giả và những kẻ gây rối. Khi khách hàng tới một quán bar sử dụng PatronScan, thẻ căn cước của họ sẽ được quét. Công ty tạo một danh sách bao gồm những khách hàng có tiền sử quấy rối để bảo vệ nhà hàng hoặc quán bar tránh nguy cơ xảy ra “đánh nhau, tấn công tình dục, sử dụng chất kích thích, trộm cướp và hành vi xấu”.
Danh sách cấm “công khai” này sẽ được chia sẻ đối với tất cả khách hàng của PatronScan. Nếu một đối tượng bị cấm trong một quán bar ở Mỹ thì có thể đối mặt với nguy cơ không được vào các quán bar khác ở Anh, Canada trong vòng 1 năm. Cá nhân sở hữu mỗi quán bar, nhà hàng không nhất thiết phải kích hoạt dịch vụ. Dữ liệu những khách hàng bình thường cũng sẽ bị xóa trong vòng 90 ngày.
Chính sách chấm điểm khách hàng có lẽ thông dụng nhất trong các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển và mạng xã hội. Dịch vụ Uber và ứng dụng WhatsApp là hai ví dụ điển hình. Khi khách hàng bước xuống khỏi xe ô tô đăng kí Uber, ứng dụng khuyến khích khách “chấm sao” cho lái xe. Tuy nhiên, không nhiều hành khách biết lái xe cũng được mời đánh giá lại khách hàng. Theo chính sách mới của Uber thông báo hồi tháng Năm: Nếu điểm số khách hàng “dưới mức trung bình một cách đáng kể”, Uber sẽ cấm khách hàng đó sử dụng dịch vụ.
Đối với nhà cung cấp WhatsApp, bạn có thể bị cấm truy cập vào ứng dụng nếu như có quá nhiều người sử dụng chặn bạn hoặc bạn có những tin nhắn đe dọa, gửi thư rác hoặc tìm cách can thiệp hệ thống của ứng dụng.