Công nghệ nhận diện khuôn mặt nhầm 26 nhà lập pháp Mỹ thành tội phạm

Mới đây, một phần mềm có tên Rekognition đang trong quá trình thử nghiệm đã nhận dạng nhầm 26 nhà lập pháp bang California (Mỹ) là những tên tội phạm nằm trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát.

Chú thích ảnh
26 nhà lập pháp Mỹ bị nhầm thành tội phạm vì công nghệ nhận diện khuôn mặt. Ảnh: ACLU

Hãng tin CNN dẫn tuyên bố của tổ chức American Civil Liberties Union of California (Liên minh tự do dân sự Mỹ California - ACLU) hôm 14/8 cho biết khi đưa bức ảnh khuôn mặt toàn bộ nhà lập pháp bang California đi qua hệ thống quét của phần mềm nhận diện khuôn mặt Rekognition, có đến 26 nhà lập pháp bị gắn nhãn tội phạm khi so với cơ sở dữ liệu 25.000 đối tượng của cảnh sát.

ACLU thông báo kết quả cuộc thử nghiệm như là một nỗ lực thúc đẩy chính quyền địa phương ban hành đạo luật cấm đối với phần mềm này. “Đây là một minh chứng cho thấy phần mềm nhận diện khuôn mặt vẫn chưa sẵn sàng đi vào sử dụng”, thành viên quốc hội Phil Ting – một trong những nhà lập pháp bị nhận nhầm thành tội phạm – lên tiếng.

Trong một vài năm trở lại đây, hệ thống nhận diện khuôn mặt trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi tại sân bay, trường học và lễ hội ca nhạc tại Mỹ. Cơ chế hoạt động của công nghệ này là xác định khuôn mặt người có trong video hoặc ảnh chụp, từ đó so sánh các đặc điểm nhận dạng với cơ sở dữ liệu sẵn có trong hệ thống.

Tuy nhiên, ACLU bày tỏ lo ngại công nghệ này mang đầy tính phân biệt và không chính xác, đặc biệt đối với nữ giới và người da màu. Theo ACLU, hơn một nửa nhóm nhà lập pháp bị nhận nhầm thành tội phạm là người da màu.

Nhà lập pháp Ting và ACLU cùng đề xuất dự luật AB 1215 – còn có tên gọi Đạo luật trách nhiệm máy quét. “Dự luật cấm các đơn vị cảnh sát sử dụng bất kỳ hệ thống nhận diện khuôn mặt và giám sát sinh trắc học nào.

Hiện tại, chưa có thành phố nào thuộc bang California áp dụng công nghệ này trong lực lượng cảnh sát”, nghị sĩ Ting phát biểu trong cuộc họp báo hôm 13/8. "Tôi có thể thấy trước cảnh người dân California vô tội trở thành nạn nhân vì bị nhận diện nhầm. Chúng tôi không cho phép điều này xảy ra”.

AB 1215, ra mắt lần đầu tiên vào tháng Hai, được Hội đồng bang California phê duyệt vào tháng Năm. Nếu dự luật được thông qua, California sẽ trở thành tiểu bang lớn nhất ra lệnh cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt trong ngành cảnh sát.

Trước đó, vào năm 2017, New Hampshire và Oregon đều thông qua luật cấm này. Đầu năm nay, các thành phố San Francisco, một trong những “điểm nóng” về công nghệ, và Oakland cũng cấm cảnh sát và các cơ quan chính phủ khác sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận các cơ quan thực thi pháp luật khác cho rằng đây là “công cụ cần thiết” nâng cao năng lực của cảnh sát.

Trong một về phiên điều trần của ủy ban an toàn công cộng trước Thượng viện hồi tháng 6, Hiệp hội Cảnh sát Riverside cho rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt giúp cung cấp dữ liệu tại những đám đông lớn như lễ hội âm nhạc với sự bảo mật tốt nhất. "Nếu như ban hành lệnh cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt, bang California dường như muốn thông báo cho toàn thế giới rằng họ không muốn nhân viên hành pháp có công cụ cần thiết để bảo vệ người dân".

Trong một bức thư viết cho nhà lập pháp Ting vào tháng 6, John Mirisch - Thị trưởng Beverly Hills – cũng bày tỏ sự phản đối trước luật cấm. Ông lấy lý do công nghệ nhận diện khuôn mặt “cho phép các cơ quan thực thi pháp luật so sánh hình ảnh của hàng trăm nghìn cá nhân, từ đó tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho đơn vị”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tại sao nhiều thành phố Mỹ muốn cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt?
Tại sao nhiều thành phố Mỹ muốn cấm công nghệ nhận diện khuôn mặt?

Các nghị sĩ Mỹ ở cả hai đảng đều đang đề xuất các quy định cấm cơ quan thực thi pháp luật dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giám sát công dân hàng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN