Hít “ma túy” bọ cạp, hậu họa khó lường

Việc sử dụng nọc độc bọ cạp làm một thứ ma túy gây ảo giác không phải chuyện lạ lẫm ở các nước Nam Á, tuy nhiên, tình trạng này gần đây trở nên đặc biệt phổ biến tại một số vùng ở Pakistan.

Thứ chất kịch độc này có thể đưa người hít “lên tận mây xanh” với khả năng gây nghiện cao theo thời gian. “Kẻ chơi” đốt xác con côn trùng, sau đó hít lấy làn khói bốc ra. Một số người còn nghiền phần đuôi chứa nọc độc của bọ cạp rồi trộn lẫn với hashish (nhựa cần sa) rồi cuốn điếu hút.

Nhà xã hội học David MacDonald trong cuốn sách “Các loại thuốc ở Afghanistan” xuất bản năm 2007 có kể lại câu chuyện của một người bạn từng tận mắt chứng kiến tác dụng của khói bọ cạp đối với người nghiện. “Tác động xảy ra tức thời, khuôn mặt và đôi mắt người đàn ông trở nên đỏ lựng hơn nhiều lần so với người hút hashish. Anh ta có vẻ như rất chếnh choáng song lại tỉnh táo và lanh lợi. Mặc dù vậy vẫn bị vấp ngã khi cố gắng đứng dậy... Vị khói ‘ngọt’ hơn so với hashish, tuy nhiên mùi lại hôi cũng như gây say lâu hơn nhiều”, cuốn sách viết.

Trạng thái “phê” có thể kéo dài tới 10 tiếng. Cụ thể, 6 tiếng đầu tiên được cho là đau đớn bởi cơ thể phải điều chỉnh thích ứng loại chất kích thích, tuy nhiên cảm giác của người hút sau đó sẽ dần chuyển sang thích thú rồi hưng phấn mãnh liệt. “Mọi thứ xuất hiện tựa như đang nhảy múa...”, ông Sohbat Khan 74 tuổi từng hít khói bọ cạp kể lại, “... con đường, xe cộ, mọi thứ trước mặt tôi”. Sohbat nghiện “ma túy” bọ cạp từ khi mới đôi mươi, ông có thể mua những mẩu xác bọ cạp với giá vài rupee từ một người bán rong tới từ Matani của Pakistan - vùng đất có nhiều bọ cạp sinh sống do khí hậu nóng bức. Lúc lên cơn thèm, Sohbat còn lùng sục khắp làng để tìm bắt bọ cạp. Khi quá “vật” mà không bắt được bọ cạp, Sohbat đã tới tận Matani để tìm mua. “Đó là dạng tồi tệ nhất của nghiện ngập”, ông nói.

Các chuyên gia cảnh báo nọc độc bọ cạp có tác động vô cùng nguy hiểm với não bộ của con người, hơn hẳn các loại ma túy khác, đặc biệt là khi hít vào bên trong cơ thể. “Việc hít khói bọ cạp gây mất trí nhớ dài và ngắn hạn”, bác sĩ Azaz Jamal tại bệnh viện Khyber giải thích, “nó gây ảo giác, trạng thái mà người dùng cảm thấy về một thứ gì đó không hiện hữu”. Bác sĩ Jamal cho biết nếu tiếp xúc lâu dài với khói bọ cạp, người dùng sẽ bị rối loạn ăn ngủ và thậm chí là bị ảo giác vĩnh viễn.

Umer Gul là một thanh niên Pakistan đã đánh mất cuộc đời vì hít nọc bọ cạp. Người ta thường bắt gặp cảnh Gul thất thểu đi lại trên đường phố Karak thuộc vùng Khyber Pakhtunwal. Miệng lẩm bẩm trong khi mắt thì nhìn chăm chăm vào một điểm vô hình. Theo lời kể của người thân, Gul từng làm thư ký trong quân đội nhưng kể từ ngày vập vào thứ “ma túy” bọ cạp, cậu ta đã mất đi sự minh mẫn. “Em trai tôi bỏ việc và có những hành vi bất thường. Bọ cạp có độc tố cực mạnh, chính vì vậy mà nó trở thành như thế. Hầu hết thời gian nó lang thang vô thức ở ngoài đường”, Mohammed Younas, anh trai của Gul buồn bã chia sẻ.

Trong khi “ma túy” bọ cạp còn hiếm gặp trên phạm vi toàn cầu thì đối với giới trẻ Pakistan, Afghanistan và một số khu vực thành thị thuộc Ấn Độ, nó lại được ưa chuộng vì rẻ tiền và dễ tạo cảm giác hưng phấn. Một viên cảnh sát tại thành phố Bharuch của Ấn Độ cho hay sau khi các loại chất kích thích như rượu, thuốc phiện, si rô ho và ma túy đã bị “cấm cửa” mua bán nên giới trẻ đổ xô đi thử trào lưu mới là nọc độc bọ cạp. Những kẻ nghiện giờ đây thậm chí còn thích cách “phê” trực tiếp cũng như đau đớn hơn: để cho bọ cạp chích thẳng vào người với giá 100 - 150 rupee/lần (chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng). Cách thức này vô cùng nguy hiểm bởi với những người bị dị ứng, nọc độc bọ cạp có thể cướp đi sinh mạng của họ ngay tức khắc.

Hồng Mai
Phát hiện đường hầm buôn ma túy dài nhất nối Mỹ-Mexico
Phát hiện đường hầm buôn ma túy dài nhất nối Mỹ-Mexico

Ngày 20/4, giới chức Mỹ thông báo đã phát hiện một đường hầm được dùng để vận chuyển ma túy tại bang California giáp biên giới Mexico. (xem video dưới).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN