Nhắc đến Hàn Quốc, người ta thường nhớ đến cụm từ “Kỳ tích sông Hàn” và nhớ đến một chặng đường bứt phá ngoạn mục, đưa đất nước Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành một quốc gia công nghiệp hóa. Trong quá trình “đốt cháy giai đoạn” đó, có một phong trào được xem là tạo nền tảng cho sự phát triển của Hàn Quốc: Đó là Phong trào làng mới.
Xuất phát từ nhu cầu thoát nghèo
Hàn Quốc vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX vẫn là một nước nghèo sau chiến tranh, GDP bình quân đầu người chỉ có 85 USD. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng sản lượng lương thực thấp, người dân vẫn nơm nớp lo thời kỳ giáp hạt. 80% nhà ở nông thôn vẫn là nhà lá. Khu vực có điện lưới thắp sáng mới chỉ chiếm 20%. Xe ô tô không thể vào được quá một nửa số vùng nông thôn.
Một ngôi làng nay đã trở thành địa điểm du lịch. Ảnh: Internet |
Ngày 22/4/1970, tại hội nghị các quan chức đầu ngành của địa phương về biện pháp chống hạn hán tổ chức tại Pusan, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung-hee đã chính thức phát động “Phong trào xây dựng làng mới” - tiếng Hàn gọi là Seamauel Undong (Dịch đúng nghĩa: Cuộc vận động làng mới) trên quy mô toàn quốc.
Lấy không gian làng xã làm trung tâm
Khác với phong trào nhân dân tái xây dựng đất nước trước đó, Phong trào xây dựng làng mới lấy hiện trạng của các vùng nông thôn làm trọng tâm với phương thức: Chính phủ hỗ trợ, người dân quyết định vấn đề và lập phương án giải quyết thông qua thảo luận công khai, dân chủ tại địa bàn. Trong năm 1970, chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ xi măng, sắt, thép cho 33.000 ngôi làng. Tuy nhiên, căn cứ vào việc sử dụng đúng mục đích hay không, chính phủ sẽ xem xét tiếp tục hỗ trợ cho những năm sau. Với chủ trương này, từ 33.000 ngôi làng được hỗ trợ năm 1971 chỉ còn 16.600 ngôi làng tiếp tục được nhận sắt, thép, xi măng.
Những làng không dùng xi măng, sắt, thép vào công trình chung mà chia cho từng hộ cá thể sử dụng sẽ không được tài trợ nữa. Nguyên tắc của Phong trào làng mới là ưu tiên tài trợ cho những làng làm tốt. Lấy đây làm động cơ, phong trào xây dựng làng mới tiến triển thành Phong trào làng mới. Tháng 3/1972, Hiệp hội trung ương của Phong trào làng mới được thành lập. Phong trào làng mới chính thức bắt đầu. Có thể nói Phong trào làng mới đã đóng vai trò điểm hỏa cung cấp thêm nhiệt huyết cho khát vọng thoát nghèo của người dân xứ sở Kim chi thời đó. Cụm từ rất thịnh hành khi đó là “ngọn gió mới”; là “chúng ta có thể làm được” và với tất cả quyết tâm và nỗ lực, khu vực nông thôn Hàn Quốc đã chính thức lay chuyển.
Trong một thời gian dài, đã có những tranh luận về những điểm được và chưa được của Phong trào làng mới. Tuy nhiên, có thể khái quát lại như sau: Đây là phong trào phát triển xã hội ở địa phương do chính phủ hướng đạo người dân tự giác tham dự. Chính phủ đã tạo ra động cơ cho người dân thông qua việc tài trợ một số nguyên liệu cơ bản như sắt, thép, xi măng. Phong trào làng mới là quá trình tạo ra động cơ và là phương thức chính quyền và nhân dân cùng hiệp lực thực hiện.
Cũng chính từ việc không áp đặt mô hình phát triển từ Trung ương xuống mà để địa phương tự lựa chọn nên những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, những gương điển hình của phong trào làng mới được giới thiệu tại các hội nghị báo cáo phương hướng phát triển kinh tế hàng tháng do tổng thống chủ trì không có làng nào giống làng nào. Mục tiêu chính của cuộc vận động chỉ đưa ra các tiêu chí cho từng giai đoạn gồm: cải thiện hoàn cảnh sống, cải thiện môi trường sản xuất và tiếp đến là tăng mức thu nhập của người dân.
Thái Hoàng