Giáo dục và thi cử ở nước ngoài - Thụy Sĩ: Mỗi bang có luật giáo dục riêng

Thụy Sĩ có hệ thống giáo dục chất lượng cao bao gồm các trường công và các trường tư thuộc các cấp và phạm vi khác nhau. Về mặt cơ cấu tổ chức và bằng cấp, giáo dục đại học Thụy Sĩ tuân theo tiêu chuẩn châu Âu.

Các trường công ở Thụy Sĩ được đào tạo bằng tiếng Pháp, Đức và Italy với nhiều chuyên ngành, song việc xin học ở các trường này đòi hỏi kiến thức rất cao. Các trường tư ở Thụy Sĩ độc lập với Chính phủ, học phí cao, chuẩn mực và đòi hỏi kiến thức khác nhau rất nhiều giữa các trường, song bằng cấp của một số trường tư được Chính phủ Thụy Sĩ công nhận, một số khác lại không.


Mỗi bang có trường và luật giáo dục riêng. Chính phủ bang chịu trách nhiệm về công tác quản lý chiến lược và quản trị giáo dục. Thụy Sĩ có 26 bang, thông thường các trường đại học trực thuộc các bang và chỉ có một số ít trường trực thuộc liên bang. Bên cạnh những trường đại học tổng hợp, trường bách khoa dành cho những học sinh theo học chương trình văn hóa chung như ở Việt Nam. Thụy Sĩ còn có các trường đại học chuyên ngành dành cho những học sinh học nghề muốn đạt trình độ đại học về học nghề. Số trường đại học này chiếm đa số và có tới hơn 300 chuyên ngành đào tạo.


Hầu hết thanh thiếu niên Thụy Sĩ lựa chọn con đường học nghề sau khi học hết chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc


Thông thường trẻ em Thụy Sĩ bắt đầu đi học từ thời điểm tròn 4 tuổi (tính theo tháng), giáo dục tiểu học sẽ được tính từ năm lớp 1 đến hết lớp 8. Thiếu niên trong độ tuổi từ 12 - 15 tuổi học ở trường hướng nghiệp, tương đương với trung học cơ sở ở Việt Nam. Các bang quy định việc đánh giá học sinh cũng như các chương trình giảng dạy. Trên cơ sở các mục tiêu học tập, giáo viên xác định kiến thức và kỹ năng các học sinh phải đạt được và chịu trách nhiệm đánh giá. Ở cuối một học kỳ hoặc năm học, giáo viên gửi báo cáo phân loại học sinh dựa vào đó để có được những quyết định liên quan đến quá trình chuyển đổi lên lớp.


Đây cũng là giai đoạn học sinh ở trường hướng nghiệp được làm các bài kiểm tra để đánh giá thiên hướng. Dựa trên kết quả học tập học sinh được phân ra làm ba nhóm khác nhau, thông thường nhóm 3 sẽ được học tiếp lên chương trình trung học phổ thông để học tiếp lên đại học. Còn nhóm 1 và nhóm 2 tùy theo thế mạnh của học sinh để được hướng vào học nghề hoặc các chương trình chuyên ngành.


Đến cuối năm lớp 11, tương đương với cuối năm lớp 9 ở Việt Nam, là học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, không có bài kiểm tra trên toàn quốc vào năm cuối cùng để học sinh có được giấy chứng nhận tốt nghiệp. Kỳ thi tuyển sinh thường là kỳ thi viết. Trong một số trường hợp, các bài kiểm tra vấn đáp bổ sung được tiến hành. Bài kiểm tra chủ yếu là ngôn ngữ chính học trong trường, ngoại ngữ và toán học.


Học sinh trong độ tuổi từ 15-19 được ghi danh vào một trường học Tú tài (giáo dục không bắt buộc). Nói chung, trường học Tú tài kéo dài bốn năm. Tuy từng bang, nhất là ở các vùng nói thứ tiếng khác nhau, thì chương trình Tú tài cũng khác nhau. Cũng giống như ở Đức, hầu hết các thanh thiếu niên Thụy Sĩ lựa chọn con đường học nghề sau khi học hết chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc. Riêng tại Geneva, hàng năm có khoảng 15.000 học sinh học nghề và mỗi năm có 5.000 học viên tốt nghiệp với chứng chỉ nghề liên bang CFC sau ba năm theo học.


Với CFC, học viên đã có tay nghề và đi làm được ngay. Họ được xã hội Thụy Sĩ công nhận và được trả lương xứng đáng. Trung bình những học viên học nghề có thể tìm được việc sau 6 tháng tốt nghiệp, trong khi những sinh viên tốt nghiệp đại học đôi khi phải mất ít nhất 1 hoặc 2 năm để kiếm việc.


Thông thường tại Thụy Sĩ, nếu theo cách học truyền thống sẽ là 4 năm học Tú tài và 3 năm học đại học. Những học viên học nghề sau 3 năm sẽ tham gia được vào thị trường lao động, trong khi những học sinh học phổ thông truyền thống phải học 4 năm thì chỉ có cách lựa chọn con đường học tiếp đại học, cao học...



Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)


Giáo dục và thi cử ở nước ngoài: Trung Quốc áp dụng một kỳ thi
Giáo dục và thi cử ở nước ngoài: Trung Quốc áp dụng một kỳ thi

Tại Trung Quốc, kỳ thi chiêu sinh các trường Đại học - Cao đẳng thống nhất toàn quốc là kỳ thi đầu vào quan trọng nhất, nhằm phân loại sinh viên vào các trường ĐH-CĐ phù hợp với khả năng và tố chất dựa theo kết quả thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN