Giống như hàng chục ngàn người mất tất cả mọi thứ trong trận động đất gây sóng thần quét qua vùng bờ biển đông bắc Nhật Bản cách đây 2 năm (11/3/2011), bà Hide Sato (83 tuổi) vẫn đang sống trong căn nhà một phòng tạm bợ. Bà vẫn ao ước có được một ngôi nhà của chính mình. Thế nhưng bà sẽ phải chờ ít nhất thêm vài năm nữa.
Hai năm sau thảm họa kép, một khu vực bị tàn phá ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate vẫn chỉ là bãi đất trống. Ảnh: Internet |
Hàng chục khu trại tạm đã được dựng lên cho những người còn sống sót sau thảm họa như bà Sato. Ban đầu, chính quyền cho rằng người dân chỉ cần ở tạm trong 2 năm, nhưng thực tế cho thấy tình trạng "tạm" này có thể kéo dài từ 6 đến 10 năm.
Con đường tái thiết đất nước sau thảm họa kép cướp đi sinh mạng của gần 19.000 người vẫn còn nhiều gian nan.
Tại thành phố Rikuzentakata - nơi bà Sato sống - hầu như tất cả các công trình, tòa nhà đều chỉ được xây tạm. Cuối tháng 2 vừa qua, có duy nhất một dự án xây nhà công cộng lâu dài được khởi công. Nhiều gia đình chỉ trông chờ vào nhà ở công cộng vì họ không còn tiền để xây một ngôi nhà riêng cho mình.
Bà Sato mỗi tháng sống bằng khoản trợ cấp 400 USD, ngủ trên những hộp các tông cứng đơ để chống lại cái lạnh ban đêm. Khi so sánh tình trạng hiện nay với thời gian Nhật Bản bị tàn phá trong Thế chiến thứ 2, bà nói: "Đây là thành phố của chúng tôi và vì thế chúng tôi cần tự nỗ lực tái thiết".
Ở hàng chục nơi khác, từ làng chài nhỏ bé Ryoishi, khu cảng công nghiệp lớn Ishinomaki tới vùng bờ biển Fukushima, tất cả vẫn chỉ là những khu đất hoang vắng. Dọc theo bờ biển, những đống gạch đổ nát, những chiếc xe máy, xe ô tô bị bầm dập trong thảm họa vẫn chất đống.
Thị trưởng thành phố Rikuzentakata, ông Futoshi Toba, nói: "Chúng tôi vẫn tiếp tục sống, tiếp tục tin rằng thời gian có thể sẽ làm vơi bớt khó khăn của chúng tôi. Chúng tôi hi vọng rằng sau một hoặc hai năm nữa, mọi thứ cuối cùng sẽ tốt đẹp hơn. Khi đó, chúng tôi sẽ có thể nhìn lại quá khứ và nghĩ rằng thời gian tồi tệ nhất đã qua".
Ông Futoshi Toba, Thị trưởng thành phố Rikuzentakata. Ảnh: Internet |
Do ở vị trí xa xôi và thiếu nhân lực, tại nhiều khu vực bị sóng thần tàn phá hoạt động tái thiết đang gặp rất nhiều khó khăn. Thành phố Rikuzentakata là một ví dụ. Quang cảnh của thành phố này sau thảm họa 1 năm và 2 năm chẳng khác nhau mấy. Khoảng 3/4 trong tổng số 8.000 ngôi nhà ở Rikuzentakata đã bị phá hủy. Nhiều tòa nhà vẫn còn trơ khung. Cột điện vẫn ngả nghiêng. Nhiều khu đất vẫn chất đầy đồ đạc hỏng.
Khó khăn trong tái thiết khiến nhiều doanh nghiệp bên ngoài thành phố thậm chí không có ý nghĩ đến Rikuzentakata đầu tư. Ông Toba than thở: "Hầu hết các công ty không biết làm gì, bán gì ở đây. Mà chúng tôi lại cần họ kinh doanh và tạo công ăn việc làm".
Công ty Granpa Farms là một trong số ít doanh nghiệp vừa khởi động một dự án ở Rikuzentakata. Họ xây 8 nhà kính mái vòm công nghệ cao để trồng rau theo phương pháp thủy canh. Ông Takaaki Abe, giám đốc Granpa Farms, nhận định: "Vấn đề tồi tệ nhất trong vùng thảm họa là không có việc làm. Để cứu những thành phố này, chúng ta cần phải tạo việc làm".
Thùy Dương